Intel xây dựng nhà máy sản xuất chip 20 tỷ USD tại Mỹ
Tập đoàn Intel vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử trị giá 20 tỷ USD ở bang Ohio, Mỹ.
Nước Mỹ đang từng bước khắc phục sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của COVID-19 và những biến động trên thị trường kinh tế chính trị thế giới, trong đó sản xuất chip điện tử, được coi là một trong những ưu tiên.
Tập đoàn Intel vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử trị giá 20 tỷ USD ở bang Ohio, Mỹ, trên diện tích hơn 400 ha. 3.000 công nhân sẽ làm việc tại nhà máy và sản phẩm là các chip điện tử, phục vụ cho các ngành từ hàng không vũ trụ, máy tính điện tử, ô tô, thiết bị y tế, hay điện thoại di động, tủ lạnh, máy giặt. Tổng thống Mỹ khẳng định sản xuất chip hiện là vấn đề an ninh quốc gia.
"Chúng ta cần phải sản xuất chip tại đây, tại nước Mỹ, để hạ giá thành sản xuất và tạo thêm việc làm. Đó là vấn đề an ninh kinh tế và cũng là an ninh quốc gia", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Mỹ đang nỗ lực đưa ngành sản xuất chip trở lại Mỹ, cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Liên minh châu Âu, những nơi cũng đang đầu tư hàng tỷ USD thu hút các doanh nghiệp sản xuất chip và đã ban hành một số chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đặt nhà máy tại Mỹ, sử dụng linh kiện sản xuất ở Mỹ.
Nhiều công ty đa quốc gia khác, như Toyota, Honda, cũng đang tiếp tục đầu tư và xây dựng thêm các nhà máy tại Mỹ, sử dụng chip được sản xuất tại Mỹ, để tận dụng những cơ hội mới sau khi chuỗi cung ứng đang dần được khôi phục.
Rạng sáng nay (10/8), theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành đạo luật nhằm tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước.