Intel sắp xây dựng nhà máy chip 33 tỷ USD ở Đức
Khoản đầu tư của Intel là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất tại quốc gia này từ trước đến nay, theo Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck.
Intel và chính phủ Đức đã ký một thỏa thuận hôm 19/6, theo đó công ty Mỹ sẽ chi hơn 30 tỷ Euro (32,8 tỷ USD) để xây dựng một địa điểm sản xuất chip ở thành phố Magdeburg, sau khi Đức cam kết chi trả 1/3 khoản đầu tư cần thiết.
Thông tin về thỏa thuận được đưa ra trong cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và CEO Intel Pat Gelsinger tại Berlin.
“Khoản đầu tư vào Đức đồng nghĩa với việc mở rộng đáng kể năng lực sản xuất của Intel ở châu Âu và là khoản đầu tư lớn nhất từng được thực hiện bởi một công ty nước ngoài ở Đức”, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết trong một tuyên bố.
Berlin đã đồng ý trợ cấp cho nhà sản xuất chip của Mỹ 9,9 tỷ Euro, nhiều hơn khoản 6,8 tỷ Euro mà họ từng đề nghị với Intel để xây dựng 2 cơ sở sản xuất hàng đầu ở thành phố phía đông nước Đức, Reuters đưa tin.
Dưới thời CEO Gelsinger, Intel đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng các nhà máy trên khắp 3 châu lục nhằm khôi phục vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực sản xuất chip và cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ AMD, Nvidia (cùng ở Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc).
“Với khoản đầu tư này, chúng tôi đang bắt kịp công nghệ tốt nhất thế giới và mở rộng năng lực của chính mình để phát triển hệ sinh thái và sản xuất vi mạch”, ông Scholz cho biết sau khi thỏa thuận được ký kết.
Thỏa thuận với Đức đánh dấu khoản đầu tư lớn thứ ba của Intel trong 4 ngày. Hôm 16/6, công ty tiết lộ kế hoạch đầu tư vào một nhà máy sản xuất chip trị giá 4,6 tỷ USD ở Ba Lan, một thành viên khác của Liên minh châu Âu. Chỉ 2 ngày sau, Israel cũng cho biết Intel sẽ chi 25 tỷ USD cho một nhà máy ở đó.
Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey dự kiến sản xuất chất bán dẫn sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030, tăng từ 600 tỷ USD vào năm 2021.
Cả Mỹ và châu Âu đều đang cố gắng thu hút các công ty công nghiệp lớn thông qua sự kết hợp giữa trợ cấp của nhà nước và chính sách ưu đãi.
Chính phủ Đức cũng đang chi hàng tỷ Euro tiền trợ cấp để thu hút các công ty công nghệ trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo động về sự mong manh của chuỗi cung ứng và sự phụ thuộc vào ngành chip Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Berlin cũng đang đàm phán với công ty TSMC của Đài Loan và nhà sản xuất pin xe điện Northvolt của Thụy Điển về việc thiết lập các cơ sở sản xuất tại Đức, sau khi thành công thuyết phục Tesla xây dựng nhà máy khổng lồ đầu tiên của châu Âu ở quốc gia này.
Thỏa thuận hôm 19/6 đã tăng gần gấp đôi quy mô dự kiến của nhà máy Magdeburg. Tháng 3/2022, Intel cho biết công ty muốn đầu tư 17 tỷ USD vào nhà máy này.
Cơ sở đầu tiên ở Magdeburg dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau 4-5 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu phê duyệt gói trợ cấp. Nhà máy này sẽ tạo ra khoảng 7.000 việc làm, ngoài ra còn có khoảng 3.000 việc làm công nghệ cao tại Intel và hàng chục nghìn việc làm trong toàn ngành, nhà sản xuất chip của Mỹ cho biết .
Nguyễn Tuyết (Theo AP, Reuters)