Indonesia sơ tán hàng nghìn người khi núi lửa Semeru phun trào trên đảo Java

Chia sẻ Facebook
05/12/2022 07:58:53

Ngày 4/12, núi lửa Semeru của Indonesia đã phun trào, phóng ra những đám mây tro nóng cao gần 2 km và nhiều dòng dung nham chảy xuống sườn núi.


Gần 2.000 người đã phải sơ tán, đúng một năm sau vụ núi lửa phun trào nghiêm trọng cuối cùng khiến hàng chục người thiệt mạng.

Vụ phun trào từ Semeru, ngọn núi cao nhất trên đảo chính Java của Indonesia, cách thủ đô Jakarta khoảng 800 km về phía Đông Nam, đã khiến các nhà chức trách nước này phải nâng mức cảnh báo núi lửa lên cấp độ cao nhất.


Các ngôi làng xung quanh núi lửa Semeru đang bị tàn phá bởi hỗn hợp tro bụi núi lửa và mưa gió mùa. Các video do một nhóm cứu hộ địa phương chia sẻ với hãng tin AFP cho thấy một đám khói đen khổng lồ bốc lên từ núi lửa, nhấn chìm và che khuất bầu trời.


Ông Abdul Muhari, phát ngôn viên của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), cho biết: "Những dòng dung nham nóng đã tràn xuống từ trên đỉnh ngọn núi cao 3.676 mét".

(Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, đại diện của Trung tâm giảm thiểu rủi ro địa chất và núi lửa của Indonesia (PVMBG) nói với đài truyền hình Kompas TV rằng mức cảnh báo cao hơn có nghĩa là các ngôi làng tại địa phương đang gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên, chưa có có trường hợp thương vong nào được báo cáo vào ngày 4/12, sau khi PVMBG cảnh báo cư dân gần đó không được đi lại trong vòng 8 km (5 dặm) xung quanh miệng núi lửa.

Theo cơ quan địa chất địa phương, đến tối 4/12, núi lửa Semeru "vẫn đang trong giai đoạn phun trào" mặc dù vùng ảnh hưởng của các đám mây tro đang giảm dần: "Nhìn chung hoạt động núi lửa vẫn còn ở gian đoạn cường độ cao".

(Ảnh: Reuters)


Theo một phóng viên AFP, mạng Internet trong khu vực đã ngừng hoạt động và tín hiệu điện thoại bị chập chờn sau vụ núi lửa phun trào.

BNPB cho biết, 1.979 người đã được đưa đến 11 địa điểm trú ẩn, với ít nhất 6 ngôi làng bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào.

Quan chức chính quyền địa phương Indah Amperawati Masdar xác nhận, người dân chỉ được phép trở về nhà khi những đám mây tro bụi nóng đã tan.

Cư dân cũng được yêu cầu tránh khu vực Đông Nam 13 km (8 dặm) dọc một con sông theo hướng dung nham di chuyển.

(Ảnh: Reuters)

Patria Dwi Hastiadi, phát ngôn viên của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Lumajang, cho biết, phần lớn cư dân ở hai ngôi làng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất đã được sơ tán.

Trước đó, Cơ quan thời tiết Nhật Bản đã cảnh báo rằng một cơn sóng thần có thể được kích hoạt bởi vụ phun trào trên, ảnh hưởng đến các hòn đảo phía Nam ở tỉnh Okinawa của nước này, hãng tin Kyodo đưa tin. Tuy nhiên, Cơ quan khí tượng Nhật Bản sau đó cho biết không quan sát thấy sự thay đổi thủy triều đáng kể nào.

(Ảnh: Reuters)

Núi lửa Semeru phun trào lần cuối cách đây đúng một năm, khiến ít nhất 51 người thiệt mạng và làm hư hại hơn 5.000 ngôi nhà. Thảm họa này khiến toàn bộ đường phố ngập trong bùn và tro, nhấn chìm nhà cửa và xe cộ, buộc gần 10.000 người phải di dời tìm nơi ẩn náu. Tình trạng cảnh báo của núi lửa Semeru vẫn ở mức cao thứ hai kể từ đợt phun trào lớn trước đó vào tháng 12/2020.

Indonesia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", nơi các mảng lục địa gặp nhau gây ra hoạt động địa chấn và núi lửa đáng kể. Quốc gia quần đảo Đông Nam Á này có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động.

Ngày 4/12, núi lửa Semeru phun trào, tung đám mây tro nóng cao cả dặm lên bầu trời, khiến các nhà chức trách Indonesia phải nâng tình trạng cảnh báo lên mức cao nhất.

Chia sẻ Facebook