Indonesia mở thầu mua 300.000 tấn gạo, Việt Nam cung cấp 50.000 tấn

Chia sẻ Facebook
15/09/2023 03:00:24

Trong bối cảnh giá gạo thế giới tăng mạnh do các lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số quốc gia, Indonesia vẫn mở thầu nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo 5% tấm với giá dao động hơn 600 USD/tấn. Trong đó, một doanh nghiệp Việt Nam nhận đơn hàng 50.000 tấn.

Indonesia mua thêm 300.000 tấn gạo 5% tấm dù giá cao. (Ảnh minh họa: tiengiang.gov.vn)

Trong phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo 5% tấm của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) được công bố vào hôm 12/9, Công ty TNHH lương thực Phát Tài (tỉnh Đồng Tháp) là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam nhận đơn hàng cung cấp 50.000 tấn.

Ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phát Tài xác nhận trúng gói thầu nêu trên với khối lượng 50.000 tấn, với giá dao động khoảng 640 – 650 USD/tấn (giá CIF). Nếu quy ra giá FOB, giao tại cảng từ Việt Nam có giá tương đương khoảng 600 đô la Mỹ/tấn, theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đến từ Pakistan trúng thầu 95.000 tấn và Thái Lan cung ứng 155.000 tấn với mức giá dao động 630 – 650 USD/tấn (giá CIF).

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo Việt Nam trong 8 tháng năm nay đạt 5,8 triệu tấn, với giá trị đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Philippines và Indonesia là những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết giá gạo trên thị trường thế giới thời gian qua tăng “dựng đứng” một phần do hiệu ứng tâm lý sau khi Ấn Độ và một số quốc gia áp lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này, báo Việt Nam Net đưa tin.


“Giá lúa trong nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, trên dưới 8.000 đồng/kg – tương đương giá gạo 5% tấm xuất khẩu phải ở ngưỡng 680-690 USD/tấn”, ông Bình tính toán.

Sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào ngày 20/7 và hôm 25/8, Ấn Độ tiếp tục áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ (đây là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc) xuất khẩu. Dẫn đến giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại, lên gần mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.


Tuấn Minh

Xuất khẩu có dấu hiệu giảm, giá gạo trong nước vẫn "neo" cao?

Philippines (thị trường mà Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhất) vừa áp trần giá gạo để hạn chế tình trạng đầu cơ leo thang giá lương thực.

Chia sẻ Facebook