Indonesia chi 1 triệu USD thả muỗi Wolbachia để ngừa sốt xuất huyết
Bộ Y tế Indonesia đã chi 16 tỷ Rupiah (khoảng 1,03 triệu USD) để thí điểm thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại 5 thành phố.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 28/11 sau cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ đã phân bổ ngân sách 16 tỷ Rupiah để tiến hành các dự án thí điểm cấy vi khuẩn Wolbachia vào cơ thể muỗi để kiểm tra sự lây lan sốt xuất huyết tại các thành phố Semarang, Tây Jakarta, Bandung, Kupang và Bontang.
Bên cạnh phân bổ ngân sách từ Bộ Y tế , các thành phố cũng trích từ nguồn ngân sách địa phương 500 triệu rupiah (khoảng 32.000 USD) để triển khai chương trình.
Bộ trưởng Sadikin giải thích phương pháp thí nghiệm sử dụng muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia đã được đưa vào kế hoạch quốc gia trong xử lý bệnh sốt xuất huyết, đang được triển khai tại 5 thành phố trên. Đây là các thành phố đang có dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp; với tỉ lệ mắc cao hơn mức trung bình trên toàn cầu là 10 ca/100.000 dân.
Bộ trưởng Y tế Indonesia nhấn mạnh việc triển khai thí điểm thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia được tiến hành với sự tham vấn, đồng thuận của người dân địa phương; đồng thời, được triển khai bởi các chuyên gia y tế của Đại học Gadja Mada.
Wolbachia là vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn có khả năng ức chế sự phát triển của virus gây bệnh sốt xuất huyết, virus Zika và một số loại virus khác truyền qua muỗi, từ đó, làm giảm nguy cơ lây truyền virus gây bệnh sang người.
Việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đề phòng ngừa dịch sốt xuất huyết đã được triển khai ở nhiều nước như Australia, Ấn Độ, Brazil và Colombia.
Minh Hoa (t/h theo VOV, Vietnam+)