IMF: Liên minh Nga-Trung có thể tạo ra một “sự thay đổi kiến trúc” đối đầu Mỹ
Tổ chức IMF cảnh báo rằng Nga và Trung Quốc có thể tạo ra một hệ thống tài chính để cạnh tranh với Mỹ và hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2022.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas hôm thứ Ba (19/4) cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga có thể tạo ra một hệ thống tài chính để cạnh tranh với Mỹ. Sự việc này sẽ được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, thế giới đang có nguy cơ chia thành hai khối kinh tế và điều này sẽ chấm dứt hàng thập kỷ toàn cầu hóa, một “sự thay đổi kiến trúc” được hình thành bởi liên minh giữa Nga-Trung Quốc đối đầu với Mỹ.
IMF hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu
Mới đây, IMF đã hạ triển vọng của nền kinh tế thế giới trong năm nay và năm 2023, với nguyên nhân chính là cuộc chiến của Nga-Ukraine đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu, đẩy giá dầu lên cao, đe dọa an ninh lương thực, nguồn cung thực phẩm và một nguyên nhân bất ổn định khác liên quan đến COVID-19.
Do vậy, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,6% trong năm nay, giảm mạnh từ 6,1% dự đoán vào năm ngoái và từ mức tăng trưởng 4,4% mà họ đưa ra vào tháng 1 – ở thời điểm IMF hạ triển vọng GDP toàn cầu chủ yếu do ảnh hưởng của lạm phát.
“Cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và tăng lạm phát”, ông Pierre-Olivier Gourinchas nói với các phóng viên hôm thứ Ba.
IMF dự báo nền kinh tế Nga vốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt sẽ giảm tăng trưởng ở mức 8,5% trong năm nay, còn ảnh hưởng của cuộc chiến trực tiếp trên lãnh thổ Ukraine sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế đến 35% đối với quốc gia này.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống còn 3,7% trong năm nay từ mức 5,7% dự báo vào năm 2021. Dự báo mới đánh dấu sự sụt giảm từ mức 4% mà IMF đã dự đoán vào đầu năm 2022. Tăng trưởng của Mỹ trong năm nay sẽ không dễ dàng khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đang rất cao và suy thoái kinh tế ở các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ.
Đối với Trung Quốc, IMF dự kiến tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ giảm xuống còn 4,4% trong năm nay từ mức 8,1% được dự báo vào năm 2021. Chiến lược Zero-Covid của Bắc Kinh đi cùng với việc phong tỏa hà khắc ở các thành phố kinh tế nhộn nhịp như Thượng Hải và Thâm Quyến.
Những lo ngại cho rằng Trung Quốc và Nga có thể tạo ra một hệ thống tài chính để cạnh tranh với phương Tây sau khi các lệnh trừng phạt cứng rắn được áp đặt đối với Moscow. Phương Tây đã đẩy các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống nhắn tin thanh toán toàn cầu SWIFT và UnionPay của Trung Quốc đã can thiệp để giúp Moscow, sau khi Visa và Mastercard đình chỉ hoạt động tại nước này.
Nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết: “Cuộc chiến cũng làm tăng nguy cơ phân mảnh lâu dài hơn của nền kinh tế thế giới thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn công nghệ riêng biệt, hệ thống thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ dự trữ”.
Ông cho biết sự thay đổi kiến trúc này sẽ mang lại những hậu quả kinh tế to lớn và là một thách thức lớn đối với khuôn khổ dựa trên các quy tắc đã chi phối các mối quan hệ quốc tế và kinh tế trong 75 năm qua.
Gánh nặng của sự sụt giảm kinh tế ở EU
Ở châu Âu, IMF hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 toàn khối từ mức 5,3% năm ngoái xuống còn 2,8%. EU vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga nên phải gánh chịu một số tổn thất kinh tế từ cuộc chiến khiến giá dầu thế giới tăng cao.
Một số quốc gia xuất khẩu hàng hóa được hưởng lợi từ giá nhiên liệu thô tăng, có khả năng tăng trưởng tốt hơn. Ví dụ, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng cho nhà sản xuất dầu Nigeria lên mức 3,4% trong năm nay, từ mức 2,7% mà tổ chức này dự báo vào tháng 1.
Tuy nền kinh tế thế giới có tín hiệu phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng vấn đề mới đã phát sinh khi các doanh nghiệp tranh giành để đáp ứng sự gia tăng đơn đặt hàng của khách hàng, khiến các nhà máy, cảng và bãi hàng hóa bị quá tải. Hiện trạng này khiến thời gian vận chuyển kéo dài và chi phí tăng lên rất cao.
Do vậy, IMF dự báo giá tiêu dùng tại các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới sẽ tăng 5,7% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1984. Tại Mỹ, lạm phát đang ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ.
Các ngân hàng trung ương đang gia tăng lãi suất để chống lại lạm phát, một động thái có thể bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bằng cách đẩy giá dầu, khí đốt tự nhiên và các mặt hàng khác lên cao, cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến nhiệm vụ chống lạm phát trong khi vẫn duy trì sự phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
IMF nhấn mạnh sự không chắc chắn xung quanh dự báo của mình và những khó khăn mà các chính phủ, ngân hàng trung ương phải đối mặt trong việc cố gắng điều chỉnh theo hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng. “Chiến tranh có thể trở nên tồi tệ hơn. Các biện pháp trừng phạt có thể được thắt chặt. COVID-19 có thể quay trở lại trên khắp thế giới”, ông Georgieva nói hôm thứ Ba. Đây là một thời điểm khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách.
Ngoài ra, cuộc xung đột cũng đã gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Đồng thời, việc này đã cắt giảm nguồn cung, tăng giá phân bón và ngũ cốc được sản xuất ở Nga và Ukraine, đe dọa an ninh lương thực ở châu Phi và Trung Đông. Trong một bài phát biểu tuần trước, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo về mối đe dọa “nhiều người đói hơn, nhiều người nghèo hơn và tình trạng bất ổn xã hội sẽ lớn hơn”.
Nga lên kế hoạch khởi kiện khôi phục lại 300 tỉ USD dự trữ bị phương Tây đóng băng
Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Moscow không thể tiếp cận khoảng 300 tỉ USD trong tổng số hơn 600 tỷ USD dự trữ dự trữ vàng và ngoại hối của nước này