IMF kêu gọi Trung Quốc tăng tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19

Chia sẻ Facebook
24/11/2022 13:11:02

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF kêu gọi Trung Quốc tăng tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 và hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực bất động sản.

Theo IMF, sự hồi phục mạnh của nền kinh tế số 2 thế giới có tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được dự báo sẽ rất thấp vào năm sau. Hơn 1 thập kỷ nay, Trung Quốc là nước đóng góp tỷ lệ cao nhất cho tăng trưởng GDP toàn cầu.

Tại họp trực tuyến đánh giá thường niên về chính sách kinh tế của Trung Quốc, IMF giữ nguyên dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc sẽ đạt 3,2% và 4,4% vào năm 2023 với giả thiết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ chiến lược phòng dịch "Zero COVID" trong nửa cuối năm 2022.

Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành IMF, nhận định dù chiến lược "Zero COVID" đã dần linh hoạt hơn nhưng với nhiều biến thể lây nhiễm nhanh hơn nên Trung Quốc áp dụng phong tỏa thường xuyên hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư tư nhân, trong đó có lĩnh vực nhà ở. Bà khuyến nghị, Trung Quốc cần tăng tỷ lệ tiêm phòng và duy trì ở mức cao.

Trung Quốc áp dụng phong tỏa thường xuyên, ảnh hưởng đến tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư tư nhân, trong đó có lĩnh vực nhà ở.

Trung Quốc đang tập trung tiêm vaccine cho người trên 80 tuổi khi mà tỷ lệ tiêm 2 mũi chỉ mới đạt 66% và 3 mũi trên 40%. Các lứa tuổi khác thì hầu hết thời gian tiêm mũi 3 đã lâu nên miễn dịch giảm.

Theo IMF, các nguy cơ kinh tế đối với Trung Quốc đang có chiều hướng xấu do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, giá năng lượng cao, căng thẳng địa chính trị, các điều kiện tài chính bị siết chặt.

Trong tuyên bố của mình, IMF đánh giá cao những hỗ trợ gần đây của Chính phủ Trung Quốc cho lĩnh vực bất động sản như cho vay lãi suất thấp để các chủ dự án hoàn thiện công trình, kích thích người dân mua nhà với nhiều ưu đãi về xóa quy định hộ khẩu, nới lỏng điều kiện cho vay. Đồng thời đề nghị tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho lĩnh vực này.

Hai ngày nay, tính cả ca không triệu chứng, mỗi ngày Trung Quốc ghi nhận trên dưới 30 ngàn ca COVID-19. Dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, phức tạp tại các thành phố lớn như Quảng Châu, Trùng Khánh, Bắc Kinh. Các biến thể Omicron lây lan nhanh đang làm chậm lại nỗ lực mở cửa mạnh nền kinh tế bởi nhiều địa phương đã siết chặt đi lại, đóng cửa nhiều dịch vụ mua bán, vui chơi.

Chiều 23/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến với các địa phương về “Tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19”.

Chia sẻ Facebook