IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Cao hay thấp so với các nước ASEAN-6?
Gần đây, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của cả thế giới do căng thẳng địa chính trị và lạm phát ở các nước đang diễn ra khá phức tạp.
IMF đánh giá tình hình dịch bệnh ở khu vực châu Á diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên, từ cuối 2021 đến nay các nước ASEAN đều triển khai và tăng độ phủ vaccine, bổ sung tiêm mũi thứ 3 cho người dân và xem xét đề xuất tiêm chủng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Các nước ASEAN đều tăng tốc lộ trình "bình thường mới" và bắt đầu lên kế hoạch phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Năm 2021, IMF dự báo GDP 2022 của Việt Nam có thể tăng trưởng đến hơn 7%. Nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp vào cuối năm 2021 nên đến tháng 4/2022, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
IMF dự báo năm 2022, GDP Việt Nam có thể tăng 6,05% so với năm 2021 nhờ vào việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và nỗ lực đưa nền kinh tế vào trạng thái "bình thường mới". Đặc biệt, đến năm 2023, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 7,25%.
So với các nước ASEAN-6, dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam chỉ thấp hơn Phillipines. Tăng trưởng GDP của Phillipines năm 2022 được IMF dự báo có thể đạt 6,45%.
Năm 2022, Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP cao hơn Singapore và Thái Lan gấp gần 2 lần. Và từ 2023 – 2027, tăng trưởng GDP Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn so với các nước trong nhóm ASEAN-6.