IMF dự kiến giảm đáng kể triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu
IMF dự kiến giảm đáng kể triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu
IMF sẽ cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu một cách đáng kể trong bản cập nhật sắp tới, giữa bối cảnh các nền kinh tế đang phải vật lộn với những lựa chọn hết sức hạn hẹp để giải quyết những rủi ro ngày càng lớn.
Ceyla Pazarbasioglu, Giám đốc Bộ phận Chiến lược, Chính sách và Đánh giá của IMF, cho rằng giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, xu hướng dòng vốn chảy chậm vào các thị trường mới nổi và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách.
“Hết cú sốc này đến cú sốc khác đang tác động tới kinh tế toàn cầu,” chuyên gia IMF nhận định.
Phát biểu sau khi cuộc họp Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc hôm 16/7 mà không ra được thông cáo chung, bà Pazarbasioglu nhấn mạnh đến những khó khăn trong việc điều phối phản ứng toàn cầu đối với môi trường lạm phát gia tăng và lo ngại suy thoái.
Trước đó, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3,6%, từ mức 4,4% được đưa ra trước cuộc xung đột ở Ukraine. Trong bản cập nhật đánh giá vào tháng này, bà Pazarbasioglu cho biết, IMF sẽ tiếp tục hạ đáng kể các dự báo.
Ngoài IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo kinh tế thế giới sẽ phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 và nâng dự báo lạm phát.
Theo đó, tổ chức này dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 12. Bên cạnh đó, OECD còn nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên lên 8,5%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1988.
Nền kinh tế toàn cầu được cho là đang phải đương đầu với nhiều khó khăn khi triển vọng ảm đạm hơn vì tác động mạnh từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Đà tăng trưởng bị kìm hãm khi giá dầu và hàng hóa tăng mạnh, đẩy lạm phát dai dẳng sang quý II/2022, đè nặng lên triển vọng phát triển. Những nguy cơ đa chiều làm dấy lên quan ngại đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trong bài phân tích “Triển vọng toàn cầu: Thách thức lớn”, nhà kinh tế Shahana Mukherjee từ Moody’s Analytics, chi nhánh chuyên về các dịch vụ tài chính của hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Moody’s, nhận định rằng, sự biến động của thị trường hàng hóa toàn cầu và môi trường giao dịch ngày càng nhiều rủi ro có thể khiến lạm phát tăng cao hơn trong năm 2022.
Các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt để đối phó đại dịch và hạn chế thương mại liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã làm gián đoạn các nguồn cung nguyên liệu đầu vào quan trọng, đẩy giá cả leo thang, khiến lạm phát lan rộng hơn và dai dẳng trên toàn cầu
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang gặp khó khăn trong việc tìm ra kế hoạch ứng phó thích hợp với vấn đề lạm phát.
“Triển vọng “hạ cánh mềm” đang dần bị thu hẹp,” Hyun Song Shin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nhận định.
Con đường ấy không hẳn là đã đóng, song đang ngày càng trở nên gập ghềnh hơn. “Khi các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng, dứt khoát và có phản ứng trước với lạm phát, kịch bản “hạ cánh mềm” sẽ dễ xảy ra hơn.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VTV, Nhân dân)