IMF dự báo: Vùng Vịnh sẽ kiếm được 1.000 tỷ USD từ dầu mỏ chỉ trong 5 năm
IMF vừa dự báo các nhà xuất khẩu năng lượng ở Trung Đông và Trung Á sẽ kiếm được khoảng 1.000 tỷ USD từ dầu mỏ trong giai đoạn 2022-2026.
Dòng tiền này nhiều hơn so với dự đoán của IMF một năm trước, phản ánh giá dầu thô cao hơn ngay cả khi lo ngại về suy thoái kinh tế đang kéo giá dầu đi xuống trong nửa cuối năm nay.
Sự bùng nổ của mặt hàng dầu mỏ
Ả Rập Xê Út và 5 thành viên khác của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã nằm trong số những quốc gia hưởng lợi lớn nhất tại thị trường mới nổi này.
Những gián đoạn trong thương mại sau sự kiện hồi tháng 2 của Ukraine đã khiến giá hàng hóa tăng cao, góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trên toàn thế giới và giữ cho giá dầu ở mức trên 100USD/thùng.
Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất lớn ở Trung Đông, sự bùng nổ của mặt hàng dầu mỏ đã có tác động đưa ngân sách vào tình trạng tích cực sau nhiều năm. Giá dầu tăng cũng giúp nhóm này tiết kiệm chi tiêu, cho phép một số nước trả nợ sớm hơn.
Theo IMF, thặng dư tài khoản vãng lai trung bình của các quốc gia vùng Vịnh dự kiến đạt gần 10% GDP vào năm 2022, gần gấp đôi mức năm ngoái và đang trên đà đạt 7,8% vào năm 2023.
Vùng đệm lớn hơn
Jihad Azour, Giám đốc IMF khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á, cho biết: “Nói chung, tất cả các quốc gia cần bắt đầu điều chỉnh bằng cách tăng vùng đệm của họ. Khu vực (vùng Vịnh) vẫn đang phục hồi và các nhà xuất, nhập khẩu dầu đều cho thấy mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng toàn cầu.”
Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) dự báo năm nay tăng trưởng tốc độ gấp đôi năm ngoái, đạt 6,5%. Nhờ đó, tăng trưởng của toàn Trung Đông và Bắc Phi sẽ đạt 5%. Dự đoán giá dầu thấp hơn trong năm tới, IMF cho rằng GDP vùng Vịnh và cả Trung Đông sẽ tăng 3,6% vào 2023.
Với việc lạm phát tăng cao, lãi suất tăng mạnh, cùng với sự ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến thị trường năng lượng và tín dụng toàn cầu bị thắt chặt, ngành dầu khí ở vùng Vịnh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với tư cách là một nguồn vốn.
Đối với Ả Rập Xê Út, quỹ tài sản có chủ quyền của họ đã chuyển hàng tỷ USD vào thị trường chính khoán và quỹ tài sản trên toàn cầu đồng thời đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp tài chính cho sự phát triển ở địa phương.
Dự trữ quốc tế ở các quốc gia gồm Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman - sẽ lên tới gần 843 tỷ USD trong năm nay và tăng lên hơn 950 USD vào năm 2023, quỹ ước tính.
Theo IMF, tăng trưởng phi dầu mỏ mạnh hơn ở GCC, nơi phần lớn lực lượng lao động nước ngoài bao gồm những người từ các quốc gia như Ấn Độ và Pakistan. Lực lượng này có thể thực hiện việc chuyển nguồn tiền về đất nước của họ.
Ông Azour cho biết: “Các nước xuất khẩu dầu tăng trưởng trong vài năm qua không chỉ do giá và sản lượng dầu tăng mà còn do sự gia tăng của lĩnh vực phi dầu mỏ. Cải thiện quản lý tài khóa, gắn nó vào trung hạn sẽ cho phép các nước bớt phụ thuộc vào tiền dầu để tự tài trợ cho chính mình."