IMF đánh giá cao các chính sách kinh tế quyết liệt, hiệu quả của Việt Nam
Đại diện IMF tin rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm nay sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất của khu vực.
Trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, bà Era Dabla-Norris - Trưởng Đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên đã đánh giá cao sự điều hành kinh tế - xã hội hiệu quả của Chính phủ Việt Nam thời gian vừa qua, đặc biệt là quyết định dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với bà Era Dabla-Norris.
Thưa bà, bà có thể đánh giá về những kết quả kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô qua điều hành của Chính phủ Việt Nam thời gian qua?
Về lạm phát, mức lạm phát đang thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trước đó là 4%. Năm nay, thành quả của Việt Nam rất tích cực, so sánh với các quốc gia khác trong khu vực thì các bạn rất thành công, nhờ chính sách mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ.
Chương trình phục hồi kinh tế được triển khai chắc chắn. Chính phủ Việt Nam, trong đó có Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện hiệu quả việc điều hành tỷ giá đồng Việt Nam. Có thể thấy giá trị tiền đồng bị mất giá ít nhất trong khu vực và trên thế giới và được kiểm soát rất hợp lý tránh việc nhập khẩu lạm phát do các mặt hàng ở nước ngoài tăng giá. Đó là điểm mấu chốt tôi cho rằng rất quan trọng.
Nhìn chung kết hợp các chính sách linh hoạt, chuyển từ tập trung hỗ trợ giai đoạn phục hồi sang giai đoạn ổn định giá cả thị trường đã giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát rất tốt.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế có những kiến nghị chính sách gì với Việt Nam trong thời gian tới?
Bà Era Dabla-Norris: Tôi muốn nhấn mạnh là trên thực tế các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam đã mạnh mẽ ngay cả trước khi có sự suy thoái do đại dịch, các chính sách đã được triển khai thận trọng.
Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ và các cơ quan liên quan đang có những bước đi phù hợp và hiệu quả trong công tác điều hành kinh tế, thể hiện tính phản ứng chính sách kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất để tăng trưởng và cũng tránh được các yếu tố tác động bên ngoài.
Thời gian tới, rõ ràng rất nhiều sự bất ổn về các yếu tố bên ngoài nên điều kiện tài chính, chính sách tiền tệ của các nước lớn sẽ thắt chặt hơn. Các đối tác thương mại của Việt Nam sẽ ít nhiều có sự tăng trưởng chậm lại.
Ưu tiên với Việt Nam vẫn là đảm bảo ổn định giá cả trong nước, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và các chính sách cần được thực hiện nhất quán và triển khai hiệu quả để đảm bảo mục tiêu đó.
Chiều 3/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên.