IMF cảnh báo về khả năng thị trường chứng khoán bị bán tháo
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lên tiếng cảnh báo sẽ có thêm các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán giữa lúc các ngân hàng trung ương (NHTW) cố gắng đưa ra chính sách để kìm hãm lạm phát và rút lại các biện pháp kích thích.
IMF cảnh báo về khả năng thị trường chứng khoán bị bán tháo
Các “tay chơi” trên thị trường khởi đầu năm 2022 một cách khá lạc quan, dự báo kinh tế sẽ hồi phục khi các biện pháp kiểm soát Covid-19 được gỡ bỏ và điều này sẽ tạo cú huých cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine vào ngày 24/02, cái nhìn lạc quan đó đã không còn, với các cú sốc về chuỗi cung ứng và đà tăng vọt của giá năng lượng.
“Chắc chắn có khả năng thị trường tiếp tục bị bán tháo”, Tobias Adrian, Giám đốc phụ trách thị trường tiền tệ và thị trường vốn tại IMF, nói trong ngày 19/04.
“Với chính sách thắt chặt tiền tệ, các điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt để làm giảm tốc hoạt động kinh tế. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu định giá tài sản tiếp tục bị điều chỉnh trong thời gian tới và điều này cũng có thể diễn ra trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu (cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ)”, ông nói thêm.
Cảnh báo từ IMF được đặt trong bối cảnh một số NHTW chủ chốt đã vạch ra kế hoạch thắt chặt tiền tệ một cách quyết liệt.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kỳ vọng sẽ nâng lãi suất thêm 6 đợt trong năm 2022, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xác nhận sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào quý 3/2022.
Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt tiền tệ này có thể được đẩy nhanh hơn nếu lạm phát duy trì ở mức cao và điều này có thể tác động mạnh tới thị trường. Chẳng hạn, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vừa ghi nhận lạm phát kỷ lục 7.5% trong tháng 3/2022, trong khi Mỹ ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng cao nhất kể từ năm 1981.
“Rủi ro ở đây là kỳ vọng lạm phát tăng vượt xa mức mục tiêu của các NHTW, từ đó sẽ buộc họ phải thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn nữa”, IMF cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất.
Trong đánh giá kinh tế mới nhất, IMF cho biết lạm phát cao sẽ duy trì lâu hơn dự báo trước đó. Họ cũng dự báo trong năm nay, lạm phát sẽ chạm mức 7.7% ở Mỹ và 5.3% ở Eurozone.
Hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Về kinh tế toàn cầu, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3.6% trong năm 2022 và trong năm 2023 vì các tác động của xung đột Nga-Ukraine.
Chuyên gia kinh tế cấp cao IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đang gây ra tác động sâu rộng đối với kinh tế toàn cầu.
IMF quan ngại rằng kinh tế sụt giảm có thể thấy rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Báo cáo của IMF còn chỉ rõ các quốc gia châu Âu sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn do cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, kéo theo lạm phát tăng và tình trạng này sẽ diễn ra trong thời gian dài hơn dự kiến.
Do vậy, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển và mới nổi, sẽ chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm tại khu vực này. IMF dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 35% trong năm nay trong khi GDP của Nga giảm 8.5%.
Báo cáo của IMF cũng chỉ rõ tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3.3%, thấp hơn so với mức trung bình 4.1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013.
Theo IMF, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ cảm nhận được sự tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch Covid-19, theo đó nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ sẽ tăng trưởng 3.7% trong khi mức này đối với Trung Quốc là 4.4%.
Tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo giảm xuống mức 2.8% trong năm nay, thấp hơn 1.1% so với mức dự đoán trước đó.
Vũ Hạo (Theo CNBC)