IMF cảnh báo châu Á về tình trạng nợ cao và rút vốn mạnh
Mới đây, IMF đã công bố báo cáo mới trong đó đưa ra nhiều nhận định đáng lo ngại về tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu trong thời gian tới.
Thách thức kinh tế lớn nhất mà châu Á phải đối mặt sẽ là nợ tăng cao và tình trạng rút vốn khi mà lãi suất ở một số nền kinh tế phát triển vẫn tiếp tục tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cảnh báo.
Những lời cảnh báo này được đưa ra khi mà IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất vào tuần này, đồng thời cảnh báo năm 2023, nhiều nền kinh tế trên thế giới dường như đã rơi vào suy thoái.
Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IMF, bà Anne-Marie Gulde, nhận định: “Nợ đang tăng lên tại châu Á. Thứ nhất, nợ trong lĩnh vực tư nhân đã tăng lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên tính từ sau đại dịch COVID-19, nợ trong lĩnh vực công cũng tăng lên theo. Chính vì vậy, bất kỳ yếu tố nào đẩy tăng lãi suất trên toàn cầu cũng sẽ khiến nhiều nền kinh tế châu Á đối mặt với thách thức”.
“Chúng ta đã chứng kiến dòng chảy vốn rời đi đến mức độ như từng diễn ra sau sự kiện “taper tantrum” khi mà Fed thay đổi định hướng chính sách tiền tệ và tất nhiên bất kỳ yếu tố nào đẩy cao lãi suất hơn nữa đi qua kênh này sẽ ảnh hưởng đến chi phí lãi vay ở châu Á. Thật đáng lo ngại là chúng ta đã đến giai đoạn này”, bà Gulde nhấn mạnh.
“Chương trình “taper tantrum” xảy ra vào năm 2013 khi mà nhà đầu tư phản ứng với kế hoạch của Fed liên quan đến việc hãm bớt nới lỏng chính sách định lượng bằng cách bán trái phiếu mạnh tay, giá trái phiếu vì vậy sụt giảm mạnh.
IMF thận trọng nhấn mạnh rằng tình trạng căng thẳng nợ nần diễn ra khá phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á và những quốc gia nào có đồng nội tệ sụt giảm so với đồng USD sẽ có thể phải chấp nhận tình trạng khủng hoảng chi phí cuộc sống tệ hại. Ví dụ, đồng USD hiện đang ở sát ngưỡng cao nhất trong 24 năm so với đồng yên.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại còn 2,7% trong năm 2023, thấp hơn 0,2% so với dự báo được đưa ra vào tháng 7/2022.
Tại châu Á, IMF đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 4,4%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức của tháng 7/2022. IMF đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của nhóm 5 nền kinh tế Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam với mức tương tự xuống còn 4,9%.
Khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng trái phiếu của Anh có gây ra hiệu ứng lây lan khắp các nền kinh tế châu Á hay không, bà Gulde nói rằng cuộc khủng hoảng trái phiếu của Anh sẽ chỉ gây ra tác động hạn chế lên các thị trường châu Á: “Các quỹ hưu trí đầu tư tại châu Á giờ đây không nhiều như trước đây, cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là bất kỳ yếu tố nào tạo ra biến động trên thị trường tài chính rồi sẽ lan tỏa”.
“Tất nhiên chúng ta không biết được tất cả các kênh, thế nhưng rõ ràng thực sự không tốt cho các nước ở châu Á cũng như trên toàn cầu”, bà Gulde phân tích.
Giám đốc công ty quản lý tài sản thuộc tổ chức Mercer, bà Janet Li, cũng đồng thuận.
Cuộc khủng hoảng tại Anh bắt nguồn từ việc lợi suất tăng cao và giá trái phiếu suy giảm, kết quả các quỹ hưu trí phải hạn chế các sản phẩm phái sinh liên quan.
Khi mà nhiều nền kinh tế châu Á ví như Nhật hay Hồng Kông mở cửa, việc đi lại của con người linh động sẽ giúp tạo ra thêm các hoạt động kinh tế và ngăn sự suy giảm. Ngoài ra, việc nhiều đồng nội tệ trong khu vực giảm giá cũng có thể đồng nghĩa với chi phí xuất khẩu tại các nền kinh tế châu Á tăng lên. IMF nhấn mạnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng giúp cho lạm phát lõi trong khu vực đi xuống.
IMF vào ngày thứ Ba công bố rằng kinh tế thế giới đang hướng đến “khoảng thời gian bão tố” khi mà quỹ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm tới, đồng thời cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế nếu các nhà hoạch định chính sách không xử lý tốt cuộc chiến chống lạm phát, theo nội dung báo cáo mới nhất được IMF công bố.
Đánh giá bi quan này được đưa ra trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mà IMF mới công bố trong cuộc họp thường niên giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF.
Cuộc họp này diễn ra trong một khoảng thời gian có nhiều căng thẳng khi mà vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tồn tại, căng thẳng Nga – Ukraine đã dẫn đến tình trạng giá thực phẩm và năng lượng tăng trong năm vừa rồi, chính vì vậy các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải nâng mạnh lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.
IMF vẫn duy trì dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng, theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay thế nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc còn 2,7% trong năm 2023, thấp hơn so với tính toán trước đây. Tuy nhiên ở thời điểm đầu năm nay, IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và 2,8% trong năm 2023, như vậy có thể thấy rõ ràng triển vọng kinh tế đã xấu đi đáng kể trong nhiều tháng trở lại đây.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhận định: “Rủi ro đang lớn dần lên. Chúng tôi cho rằng 1/3 trong tổng số các nền kinh tế trên thế giới sẽ trải qua trạng thái suy thoái kỹ thuật”.
IMF định nghĩa suy thoái kỹ thuật là khi mà nền kinh tế suy giảm 2 quý liên tiếp.
Theo CNBC, giám đốc điều hành của JP Morgan Chase – ông Jamie Dimon khẳng định kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong khoảng thời gian từ 6 đến 9 tháng tính từ hiện tại.
Kinh tế Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc hiện đang trong những trạng thái suy giảm khác nhau, gây ra tác động dây chuyền trên khắp thế giới. Tại Mỹ, lạm phát và lãi suất tăng cao đang gây suy giảm sức tiêu dùng của người dân và hoạt động trong lĩnh vực nhà đất khi mà lãi suất thế chấp tăng.