ILO: Loại bỏ sử dụng than đá, thêm 5 triệu việc làm vào năm 2050

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 01:23:33

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các nước Đông Nam Á sẽ hưởng lợi với 5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vào năm 2050 nếu thúc đẩy quá trình loại bỏ dần việc sử dụng than đá.

Công nhân tại mỏ than Thống Nhất (Quảng Ninh) đang làm việc dưới hầm lò - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH


Ngày 24-5, Báo cáo Chuyển dịch năng lượng công bằng ở Đông Nam Á - tác động của việc loại bỏ than đá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được công bố tại Bangkok, Thái Lan.

Theo báo cáo của ILO, Việt Nam, Indonesia và Philippines nằm trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á và cũng là những nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Ở khu vực này, mức tiêu thụ than đá đã tăng 150% trong 20 năm qua, với tỉ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện tăng từ 27% (năm 2010) lên 43% (năm 2019). Trong đó, Indonesia và Việt Nam là những nước sản xuất than đá quan trọng, trong khi Philippines phụ thuộc lớn vào nhập khẩu than đá.

ILO dự báo Đông Nam Á có khả năng mất chưa đến 500.000 việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050 nhưng có thể tạo ra 5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, ILO lưu ý đóng cửa các mỏ than đá có thể gây mất việc làm, cũng như gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường lao động, nền kinh tế và sinh kế của người dân địa phương.

Nói về vấn đề này, bà Cristina Martinez - chuyên gia cao cấp về môi trường và việc làm thỏa đáng của ILO - cho biết các chính phủ vẫn cần duy trì việc làm ở những vùng tập trung sản xuất than đá, tuy nhiên đây lại là rào cản trong loại bỏ dần việc sử dụng than đá.

Do đó, các bên gồm chính phủ - người lao động - các tổ chức của người sử dụng lao động cần đối thoại để mọi chính sách liên quan đảm bảo lồng ghép yếu tố bình đẳng giới, an sinh xã hội, phục hồi xanh, lợi ích cộng đồng…

Theo ILO, than đá là nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều carbon nhất nên việc nhanh chóng loại bỏ việc sử dụng loại nhiên liệu này là cần thiết để giới hạn tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, như đã thống nhất tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015.

Vào tháng 3-2021, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres kêu gọi tất cả các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cam kết tiến tới loại bỏ việc sử dụng than đá vào năm 2030 và vào năm 2040 đối với các quốc gia không thuộc OECD để đạt được mục tiêu 1,5°C đã đề ra.

Quỹ đầu tư khí hậu (CIF) tuyên bố Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Nam Phi sẽ là 4 nước đầu tiên nhận hỗ trợ để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch.

Chia sẻ Facebook