Hy hữu: Lạm phát quá cao, ngân hàng lớn nhất Anh tặng mỗi nhân viên 1.200 USD để... tiêu

Chia sẻ Facebook
15/06/2022 00:01:53

Khoản hỗ trợ này chỉ dành cho 64.000 nhân viên và không bao gồm các quản lý, giám đốc cấp cao.

Theo tờ Quartz, ngân hàng lớn nhất Anh là Lloyd’s đã tuyên bố tặng mỗi nhân viên 1.000 Bảng, tương đương 1.200 USD để hỗ trợ trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.

Mặc dù 64.000 nhân viên của ngân hàng sẽ nhận được khoản hỗ trợ này nhưng các quản lý cấp cao thì sẽ không nằm trong diện được tặng tiền.

Hãng tin Reuters thì cho biết để nhận được khoản tiền này, công đoàn Unite tại Anh đã kêu gọi các nhân viên Lloyd’s đứng biểu tình ngoài trụ sở trong cuộc họp vào tháng 5/2022. Phía Unite đã liên tục hối thúc ngân hàng tăng lương cho nhân viên trong bối cảnh lạm phát tại Anh từng lên cao nhất 30 năm trong tháng 2/2022. Số liệu mới nhất vào tháng 5 thì cho thấy lạm phát tuy giảm nhưng vẫn cao nhất 10 năm.

"Trong khi ngân hàng Lloyds Banking Group liên tục ghi nhận lợi nhuận khổng lồ qua các năm thì chúng tôi không thể chấp nhận việc các nhân viên của họ, vốn là xương sống của doanh nghiệp, lại đang gặp khó khăn về tài chính", người phát ngôn của Unite bức xúc.

Mặc dù Lloyd’s đã đồng ý tặng 1.200 USD cho nhân viên nhưng phía Unite mới chỉ coi đó là điểm khởi đầu bởi mức lương nhân viên trong ngành lợi nhuận nhất nước Anh được cho là quá thấp với tình hình lạm phát hiện nay.

Áp lực tăng lương

Hiện cả Mỹ, Anh và châu Âu đều đang chịu áp lực lạm phát quanh mốc 8,8%. Thậm chí tại Anh, lạm phát được cho là sẽ đạt 10% vào cuối năm nay.

Việc lạm phát tăng cao đang gây áp lực cho nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc bởi họ sẽ phải tốn nhiều tiền hơn cho bữa ăn ngoài, thuê người chăm sóc con cái, tiền đi lại... Với những lao động thu nhập thấp, tình hình còn tồi tệ hơn khi giá thuê nhà, thực phẩm, khí đốt sưởi ấm... đều tăng mạnh, dẫn đến cảnh nợ nần chồng chất.

Tại Lloyd’s, một số nhân viên của trung tâm hỗ trợ khách hàng thuộc ngân hàng này đã lâm vào cảnh vay nợ quá nhiều, trong khi số khác thì đang vất vả vì chẳng đủ tiền cho nhu yếu phẩm hàng ngày.

Bất chấp điều đó, phía Lloyd’s cho biết họ sẽ chỉ xem xét tăng lương vào năm 2023 theo đúng lộ trình chứ không đi chệch kế hoạch. Theo phía Lloyd’s, việc doanh nghiệp tăng lương sẽ chỉ ảnh hưởng xấu đến lạm phát bởi họ sẽ phải gia tăng các khoản phí, lãi vay... nhằm bù đắp chi phí nhân công tăng cao, qua đó khiến giá hàng hóa đi lên, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Lạm phát tại Anh đang rất cao

Đáp trả, công đoàn cho biết ngành ngân hàng đã có quá nhiều lợi nhuận và các cổ đông có thể hy sinh một phần lợi ích để chia sẻ cho những lao động nghèo đang phải vật vã đối phó với lạm phát.

Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy lợi nhuận trước thuế của Lloyd’s trong quý I/2022 đạt 1,62 tỷ Bảng, tương đương 2 tỷ USD, cao hơn dự đoán của nhiều nhà đầu tư. Thế nhưng, nhóm nhân viên có mức lương thấp nhất ngành ngân hàng của hãng lại chỉ có mức tăng lương chưa đến 4%, thấp hơn nhiều so với đà tăng lạm phát.

Bỏ bữa cho con ăn

Trong khi đó, tờ The Independent cho biết lạm phát tăng cao đã khiến 1/4 số người Anh, đa phần là các hộ gia đình nghèo, buộc phải bỏ bữa để cho con có cái ăn. Ngày càng có nhiều người Anh thuộc tầng lớp trung lưu đang chuyển sang sử dụng các ngân hàng thực phẩm. Mặc dù làm việc toàn thời gian, nhưng nhiều gia đình vẫn không còn có thể thanh toán tiền điện và tiền mua hàng tạp hóa.

Theo người đứng đầu ngân hàng thực phẩm Trinity Foodbank, bà Tina Harrison, nếu như vào đầu tháng 12 năm ngoái, 100 gia đình cần gói thực phẩm mỗi tuần thì hiện nay, 150 gia đình đã chuyển đến quỹ từ thiện mỗi tuần. Đồng thời, bà dự đoán số đơn đăng ký sẽ tăng hơn nữa trong bối cảnh hóa đơn điện nước ngày càng tăng.

Không riêng gì Anh, người Đức cũng đang vất vả chống lại lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm qua. Đài RT của Nga cho biết gần 1/6 người Đức hiện buộc phải bỏ bữa thường xuyên để tiết kiệm chi tiêu, trong khi 13% khác nói rằng họ lo sợ tình trạng thu nhập không đủ chi tiêu nếu giá lương thực tiếp tục tăng.

Lạm phát đang khiến người nghèo khó sống hơn

Theo báo cáo của nhóm Ứng phó với khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính của Liên hợp quốc công bố ngày 8/6, có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong năm nay.

Liên hợp quốc cũng dự báo tình hình có thể xấu đi sau năm 2022, với 19 triệu người dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính trên toàn cầu vào năm 2023.


Nguồn: Quartz, Reuters, The Independent

Chia sẻ Facebook