Hy hữu: Đang bị truy nã, người phụ nữ vẫn khởi kiện đòi nhà
Dù đang bị công an tỉnh Đồng Nai truy nã về hành vi ‘Lừa đảo’ nhưng bà Trần Thị Vân Tường (49 tuổi, định cư ở Mỹ) vẫn khởi kiện đòi lại 2 căn nhà tại Việt Nam.
Theo báo Vnexpress, TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa mở phiên xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán 2 căn nhà giữa nguyên đơn Trần Thị Vân Tường và bị đơn Phạm Hoàng Mai Huyền Phương.
Đang bị truy nã vẫn khởi kiện đòi 2 căn nhà
Bà Tường là chủ sở hữu 2 căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường Hòa Bình, TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Năm 2005, do cần vốn kinh doanh, bà vay của bà Phương 5 tỷ đồng. Do làm ăn thua lỗ, đang nợ xấu ngân hàng không thể vay thêm, bà Tường tiếp tục ký với bà Phương nhiều hợp đồng: vay tài sản, mua bán, cho thuê 2 căn nhà trên.
Theo thỏa thuận, bà Tường ‘để bà Phương dùng 2 căn nhà này thế chấp vay tiền ngân hàng’ . Số nợ bà Phương vay ngân hàng được cấn trừ vào khoản tiền bà Tường nợ. Bà Tường sẽ chịu trách nhiệm trả lãi.
Không có khả năng thanh toán, cuối năm 2006, bà Tường sang Mỹ. Tháng 07/2006, công an Đồng Nai tiếp nhận đơn tố cáo của một số người về việc bị bà Tường chiếm đoạt tiền.
Sau khi xác minh, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bà Tường về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ . Do bà Tường đã bỏ trốn trước đó, nên năm 2008 cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.
Về phần bà Phương, do bà Tường không trả lãi cho ngân hàng như cam kết nên bà đã chuyển nhượng 2 căn nhà cho nhà băng. Ngân hàng sau đó bán cho 2 người khác.
Đến năm 2014, bà Tường đang sống tại Mỹ đã uỷ quyền cho người đại diện và luật sư khởi kiện, yêu cầu tòa tuyên hủy hợp đồng mua bán đã ký với bà Phương; hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Phương với ngân hàng; hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ngân hàng với 2 người mua nhà… và trả lại 2 căn nhà cho mình.
Kết luật gây tranh cãi trong phiên sơ thẩm
Liên quan đến vụ kiện trên, năm 2020, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Tường, tuyên bố các giao dịch dân sự liên quan đến việc chuyển nhượng 2 căn nhà là ‘vô hiệu’ do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Tòa buộc bà Tường bồi thường cho 2 người mua nhà 6 tỷ đồng, bà Phương bồi thường hơn 12 tỷ đồng. Giao 2 căn nhà cho bà Tường làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu.
Bà Phương và người liên quan không đồng ý với phán quyết này nên đã kháng cáo.
Ngày 13/06, tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn đề nghị tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trả lời HĐXX về việc bà Tường không đóng lãi cho ngân hàng theo thỏa thuận, đại diện theo ủy quyền cho bà Tường cho biết không nắm vấn đề này.
Chủ toạ hỏi: “Bà Tường không thực hiện theo thỏa thuận mà quay về đòi tài sản. Bản án sơ thẩm tuyên bà Tường được đi làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất nhưng bà ấy đang bị truy nã thì làm sao làm?”.
Đại diện nguyên đơn cho biết, từ khi đi nước ngoài bà Tường chưa về Việt Nam và cũng không biết bà này có bị truy nã hay không. Tuy nhiên, người này nói ‘bà Tường có thể quay về và làm được giấy tờ nhà’.
Còn luật sư, sau khi đưa ra quan điểm bảo vệ bà Tường trong vụ kiện đã cho rằng việc bà này bị truy nã không liên quan đến vụ tranh chấp.
Trình bày với tòa, phía bị đơn cho biết, bà Tường đã xuất cảnh ra nước ngoài nên bà Phương không thể liên lạc để yêu cầu hoàn tất nghĩa vụ trả nợ. Vì thế bà Phương phải chuyển nhượng nhà cho ngân hàng để cấn trừ nợ. Ngoài ra, bị đơn cũng cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì không xem xét và đưa vào hồ sơ vụ kiện các tài liệu bà Tường đang bị truy nã.
‘Vô hiệu’ hợp đồng chuyển nhượng 2 căn nhà là đúng?
Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm cho rằng, bà Tường bị công an tỉnh Đồng Nai truy nã năm 2008. Đến năm 2019, công an tỉnh Đồng Nai cho biết quyết định truy nã vẫn còn hiệu lực nhưng tòa sơ thẩm không xem xét việc bà này khởi kiện có đúng pháp luật hay không.
Về nội dung, tòa sơ thẩm tuyên hợp đồng chuyển nhượng 2 căn nhà giữa các đương sự ‘vô hiệu’ là đúng, song không giải quyết hậu quả của việc này – tức chưa xem xét các bên phải trả lại tiền cho nhau theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005.
Từ đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao cho TAND tỉnh Đồng Nai xem xét lại.
Theo Vnexpress