Hy hữu: Cả làng PHÁT TÀI sau 1 đêm, nhà ai sở hữu "cỗ máy in tiền" này thì đếm bạc mỏi tay
Từ mặt hàng rẻ bèo, chỉ vài nghìn đồng/kg, giá cả của món đặc sản này đã tăng vọt, trở thành "máy in tiền" và làm giàu nhanh chóng cho người dân tại đây.
Ở vùng núi phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, người dân tộc thiểu số Bố Lãng thường kể câu chuyện về già làng Pa Ai Leng, người luôn khao khát đem tới sự thịnh vượng cho bộ tộc của mình.
Theo những câu chuyện được kể, ban đầu, ông cân nhắc việc để lại ngựa và bò cho bộ tộc, nhưng lo ngại chúng sẽ chết nếu dịch bệnh bùng phát. Sau đó, ông nghĩ đến vàng và bạc, nhưng lại sợ mọi người sẽ tiêu xài lãng phí. Cuối cùng, ông để lại cho mọi người những cây chè, là nguồn của cải vô tận cho các thế hệ mai sau.
Mặc dù rất khó tìm ra nguồn gốc của truyền thuyết này, song có một phần trong đó là sự thật. Kể từ năm 2000 tới nay, loại trà Phổ nhĩ có nguồn gốc từ những cây chè lá to, cổ thụ của vùng đã trở thành mặt hàng có giá trị và được săn lùng nhiều nhất Trung Quốc.
Một cân trà Phổ nhĩ thu hoạch từ gốc chè trăm tuổi có thể mang về từ 1 ngàn đến 2 triệu tệ (tương đương khoảng 157 đô la đến 313 ngàn đô la Mỹ).
Giá trà Phổ nhĩ tăng chóng mặt không chỉ mang lại sự giàu có mới cho vùng biên giới nghèo khó này, mà còn thay đổi sâu sắc đời sống xã hội của các cộng đồng Bố Lãng.
“Khi giá chè ở làng tăng từ dưới 15 tệ/kg vào năm 2003 lên tới 100 tệ/kg vào năm 2005, tôi cứ nghĩ nó đã cao lắm rồi” - Anh Xiang (50 tuổi) chia sẻ. “Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình giàu có. Năm đó tôi đã mua ba chiếc xe máy cho con, kể cả con gái út thậm chí còn chưa biết đi xe cũng có phần.”
Nhiều ngôi làng ở Vân Nam, Trung Quốc đã thay đổi rõ rệt nhờ vào chè Phổ nhĩ cổ thụ. Trước đây, địa hình đồi núi, đường xá hiểm trở khiến cuộc sống của họ tràn ngập khốn khó, có những khi bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài vì lở đất. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, đây lại là món quà của vận may.
Trong giai đoạn 1950-1980, rất nhiều nơi đi theo chính sách hiện đại hóa sản xuất nên chặt phá cây cổ thụ để làm đồn điền kiểu mới. Nhiều vùng chặt bỏ cây chè Phổ nhĩ để thay thế bằng các giống chè mới, năng suất cao hơn.
Riêng làng Manban chỉ khai phá đất mới làm chè và bỏ hoang vùng trồng trọt cũ chứ không chặt cây. Các cây chè cổ thụ cả trăm tuổi vẫn được giữ nguyên. Lá trà thu hoạch được từ đây được bán với giá chưa tới 1 tệ/kg.
"Lúc đó, các công ty chè chuộng loại nước vàng, lá và búp nhỏ. Trà của chúng tôi bị coi là loại kém nhất trong các loại kém", cụ Bu, 80 tuổi, người làng Manban nói.
Mọi chuyện thay đổi khi “bong bóng trà Phổ nhĩ” nổ ra vào năm 2007. Thời điểm đó, một số công ty vừa và nhỏ làm quảng cáo và tiếp thị trà cổ thụ, tạo ra một làn sóng “săn hàng” trên thị trường.
Rất nhanh chóng, trà Phổ nhĩ cổ thụ từ mặt hàng vô giá trị bỗng trở thành sự lựa chọn dành cho những người “sành uống”, các thương gia, tầng lớp trung lưu trở lên. Họ ngợi ca hương vị, xem nó như một di sản, lộc trời và cống phẩm chỉ có vua chúa xưa được uống.
Giá trà Phổ nhĩ thu hoạch từ những cây chè cổ thụ ở Làng Manban đã tăng gấp ba lần từ năm 2005 đến năm 2007. Đến năm 2014, nó đã được giao dịch gấp 10 lần giá trị năm 2005.
Trong khi đó, thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm của ngôi làng đã tăng từ dưới 2.000 tệ năm 2000 lên tới 100.000 tệ vào năm 2019. Con số này gấp gần 10 lần mức thu nhập trung bình của vùng nông thôn Vân Nam.
Năm 2021, giá một cân trà Phổ nhĩ cổ thụ cao gần gấp 5 lần giá Phổ nhĩ giống mới. Những người đã từ bỏ cây chè cổ thụ đều tiếc nuối không thôi.
Anh Bing, một người dân địa phương ngoài ba mươi tuổi, chia sẻ: “Trước kia, vì cho rằng chè cổ thụ vô giá trị nên khi phân chia tài sản từ ông nội, bố tôi đã để lại toàn bộ số cây chè cho gia đình của chú. Giờ đây, mỗi một vụ Xuân, chú tôi có thể dễ dàng kiếm được 100.000 tệ, trong khi tôi khó có thể kiếm được một nửa số đó trong cả năm”.
Mức giá bùng nổ của trà Phổ nhĩ cổ thụ cũng khiến một nhóm người khác tiếc nuối không thôi, đó là các gia đình đã thực hiện di dời và tái định cư. Năm 2003, một nửa dân làng Manban đã đăng ký chuyển đến ngôi làng mới được xây dựng ở chân núi. Tại đây, họ được kết nối giao thông tốt hơn và tiếp cận với thế giới bên ngoài. Một số gia đình không chịu di dời và chuyển đi thì bị coi là “ngoan cố và bảo thủ”.
Tuy vậy, sau vài năm, thời thế đã thay đổi. Đơn giá chè thu hoạch ở làng cũ cao hơn gấp 12 lần so với chè thu hoạch ở làng mới. Nhiều gia đình ở làng mới hiện phải lặn lội lên núi để đi làm công, hái và rang chè cho bà con ở làng cũ.
“Trước năm 2007, không có cô gái nào trong làng chúng tôi muốn kết hôn với mấy thanh niên sống ở làng cũ cả. Thế mà bây giờ tất cả phải cạnh tranh để trở thành lao động làm thuê cho họ,” - Ban, một thanh niên có gia đình chuyển đến làng mới, nói vui.
Tuy nhiên, ngay cả những người chiến thắng cũng không tránh khỏi sự lo lắng. Khi giá trị của Phổ nhĩ tăng lên, hầu hết các hộ gia đình trong vùng đã ngừng trồng các mặt hàng nông sản. Với quá nhiều của cải tập trung vào một ngành hàng duy nhất, họ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi đột ngột của thị trường.
*Theo 6thtone
Theo Thúy Phương
Nhịp sống kinh tế