Hwacha: Vũ khí Triều Tiên khiến Samurai Nhật Bản phải lùi bước
Cuối thế kỷ 16, Nhật Bản lên kế hoạch tấn công Triều Tiên. Thế nhưng đội quân Samurai đã phải lùi bước trước một loại vũ khí sát thương...
Cuối thế kỷ 16, Nhật Bản lên kế hoạch tấn công Triều Tiên, sau đó sẽ là Trung Quốc rồi lan ra châu Á. Thế nhưng ngay trong cuộc tấn công vào Triều Tiên, đội quân Samurai đã phải lùi bước trước Hwacha, một loại vũ khí sát thương hàng loạt của người Triều Tiên.
Sự ra đời của Hwacha
Vào cuối thế kỷ 14, Trung Quốc là quốc gia hàng đầu về công nghệ thuốc súng tại khu vực. Dù Trung Quốc và Triều Tiên có quan hệ tốt đẹp nhưng Trung Quốc không muốn chia sẻ công nghệ thuốc súng cho Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên thường xuyên phải đối phó với cướp biển cùng nguy cơ từ Nhật Bản.
Sau nhiều thương lượng, năm 1377, một thương gia Trung Quốc đồng ý cung cấp hàng loạt tài liệu chế tạo cùng các mẫu thuốc súng cho Triều Tiên. Cùng lúc đó nhà phát minh Choe Mu-seon của Triều Tiên cũng tìm ra cách tổng hợp thuốc súng. Các công nghệ có được giúp Triều Tiên sản xuất ra hàng loạt vũ khí sử dụng chất nổ như hỏa tiễn, đại bác và súng hỏa mai.
Trong các vũ khí đó nổi bật là dàn phóng loạt Hwacha do 2 nhà phát minh Yi Do và Choi Hae-san phát triển dựa trên thiết kế của Trung Quốc. Tuy nhiên thiết kế của Trung Quốc không mạnh và thiếu chính xác, trong khi Triều Tiên phát triển nó thành vũ khí với sức mạnh lớn, có thể phóng loạt đồng thời 50 đến 100 mũi tên.
Yi Do và Choi Hae-san nhận thấy sử dụng đạn pháo rất khó đánh trúng mục tiêu, nhưng việc phóng loạt hàng chục đến cả trăm mũi tên sẽ tiêu diệt mọi thứ trong tầm ngắm.
Mỗi dàn phóng Hwacha được đặt trên chiếc xe nhỏ 2 bánh rất tiện lợi di chuyển, bệ phóng có hàng chục ống, bên trong có mũi tên dài 1,1m. Ban đầu mỗi lần phóng loạt được từ 50 đến 100 mũi tên, sau đó qua cải tiến Hwacha đã có thể phóng loạt lên đến 200 mũi tên, tầm xa 500m và có khả năng xuyên mọi loại giáp lúc bấy giờ.
Hwacha được làm bằng gỗ lại có xe đẩy nhẹ nhàng nên rất cơ động, tiện lơi hơn loại pháo bằng sắt cùng thời vừa nặng vừa kém chính xác.
Ánh sáng le lói đầu tiên
Năm 1592 lãnh chúa Nhật Bản là Toyotomi Hideyoshi thống lĩnh hơn 16 vạn quân tiến đánh Triều Tiên. Trong vài tháng đầu tiên quân Nhật tiến quân rất nhanh, liên tiếp chiến thắng.
Trong khi quân Triều Tiên liên tiếp thất bại thì họ bất ngờ có được chiến thắng đầu tiên tại vùng biển Hoàng Hải, tướng chỉ huy thủy quân Triều Tiên “Tam đạo Thủy quân Thống chế sứ” Lý Thuấn Thuần (Yi Sun-shin) đã lập một kỳ tích khó tin, 13 tàu của Triều đã đán tan thủy quân Nhật Bản, chặn đứng con đường tiến vào kinh đô của quân Nhật. (Xem bài: Lý Thuấn Thuần và trận thủy chiến huyền thoại trong lịch sử hải quân thế giới – P1 )
Trên bộ quân Nhật vẫn tiếp đà chiến thắng, đánh bại liên quân nhà Minh và Triều Tiên, rất nhiều binh sĩ mất tinh thần chiến đấu.
Cuộc chiến tại pháo đài cổ ở Hạnh Châu
Lúc này tướng Kwon Yul tập trung 2.300 quân tại pháo đài cổ ở Hạnh Châu (Haengjiu) cách Seoul 10 km. Sau đó lực lượng này được bổ sung thêm 700 người từ khu vực xung quanh, bao gồm các thầy tu và nữ chiến binh. Trong 3 ngày, Kwon Yul bố trí phòng thủ với 40 dàn phóng Hwacha.
Quân Nhật có 30.000 quân tấn công. Đây là đội quân chủ lực gồm cả đội quân đặc biệt tinh nhuệ Samurai cùng các danh tướng như Ukita Hideie, Kato Kiyomasa và Kuroda Nagasama.
Với lực lượng đông đảo gấp 10 lần, sáng ngày 12/2/1593 quân Nhật tấn công lần thứ nhất, tướng Kwon Yul đợi quân Nhật vào tầm thì cho dàn phóng Hwacha bắn thẳng tên vào quân Nhật, binh lính cũng nhắm vào quân Nhật mà bắn. Trước thế công cực mạnh của Hwacha, quân Nhật tấn công 3 lần rồi thất bại, phải rút lui.
Đến trưa ngày 12/2, tướng Ukita chỉ huy quân Nhật tấn công lần thứ 4, vượt qua lớp phòng thủ bên ngoài của Triều Tiên. Tuy nhiên ngay sau đó quân Nhật bị sức mạnh của giàn phóng loạt Hwacha đẩy lùi, tướng Ukita bị thương nặng.
Đến chiều ngày 12/2, quân Triều Tiên không còn tên gắn lên Hwacha và có nguy cơ thất thủ. Tuy nhiên ngay sau đó thành Hạnh Châu lại được tiếp viện 10.000 mũi tên kịp lúc. Dàn Hwacha tiếp tục dội mưa tên xuống quân Samurai khiến 3 danh tướng chỉ huy đều bị thương, quân Nhật buộc phải rút lui.
Thắng hiểm
Sau mấy ngày giữ thành, vũ khí và số mũi tên của Triều Tên cũng cạn dần, quân Nhật dù bị tổn thất lớn nhưng cũng đến chân thành và dùng thang leo vào tấn công. Kwon Yul huy động cả người dân và phụ nữ tình nguyện trong thành mang đá đến để binh sĩ thả xuống chặn quân Nhật đang tràn lên.
Sau 9 lần tấn công, quân Nhật bị thiệt hại lớn, 3 tướng bị tử trận, 2 tướng bị thương nhưng vẫn không vào được thành, đành phải rút lui.
Sau này tướng Kwon Yul đã nói rằng chính Hwacha đã giúp quân Triều Tiên dành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại những chiến binh lão luyện Samurai Nhật Bản.
Bên cạnh Hwacha, phải kể đến tinh thần quân Triều Tiên tại pháo đài cổ ở Hạnh Châu rất cao. Vào thời điểm khó khăn nhất khi không còn đủ tên nạp cho Hwacha, thì ngay cả người dân và phụ nữ cũng tham gia vận chuyển đá lên thành giúp binh lính dội xuống quân Nhật đàng tràn lên, cố giữ thành trì.
Chiến thắng tại thành Hạnh Châu giúp tinh thần quân Triều Tiên lên cao và có được những chiến thắng sau đó. Cuộc chiến còn kéo dài nhưng chiến thắng cuối cùng đã thuộc về người Triều Tiên.
Trần Hưng
Điều giúp người Nhật hai lần đẩy lui đại quân Mông Cổ
Mời xem video :