Huyện Bảo Lạc, Cao Bằng tổ chức Tuần văn hóa, thể thao, du lịch - Chợ tình Phong Lưu

Chia sẻ Facebook
27/08/2022 10:08:11

Từ 7 - 10/9/2022 tại thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng sẽ diễn ra Tuần lễ Văn hóa - Chợ tình Phong Lưu.


Đây là dịp du khách sẽ được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, tìm hiểu và khám phá văn hóa, ẩm thực, du lịch độc đáo miền biên viễn phía Tây tỉnh Cao Bằng.


Theo kế hoạch, tuần lễ sẽ gồm các hoạt động văn hóa độc đáo như: Không gian văn hóa các dân tộc của 17 xã, thị trấn huyện Bảo Lạc và các huyện Bảo Lâm, Nguyên Bình (Cao Bằng), huyện Mèo Vạc (Hà Giang); tái hiện nghề rèn, nghề đan lát truyền thống của dân tộc Lô Lô… Một số hoạt động thể thao, trò chơi truyền thống cũng được tổ chức trong dịp này, như đi cà kheo, ném bắp ngô vào gùi, thi quay sảng (cù), thi lày cỏ, nhảy bao, bịt mắt đánh trống…

Điểm nhấn của Tuần lễ là các sự kiện vào tối 9/9, gồm chương trình nghệ thuật "Đêm hội Chợ tình Phong lưu huyện Bảo Lạc" và hoạt động phục dựng "Đêm áp phiên Chợ tình Phong lưu". Khách du lịch được thưởng thức những màn hát lượn đối đáp dân tộc Tày hoặc dân tộc Nùng, hát đối đáp giao duyên tìm bạn của dân tộc Sán Chỉ, tục giật khăn của dân tộc Dao (Dao đỏ) hay hát đối đáp và múa khèn của dân tộc Mông...

Từ sáng 10/9, du khách có cơ hội hòa mình vào chợ phiên với sự tham gia của đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô, Sán Chỉ, Tày… trong tiếng khèn vui tươi và không khí lễ hội rộn ràng. Đặc biệt, du khách sẽ được tìm hiểu phong tục trang điểm của các thiếu nữ bên đường trước khi vào chợ.

Hát giao duyên ở chợ tình

Chợ tình ở thị trấn Bảo Lạc đã có từ xa xưa. Khu chợ nằm trên một con phố giữa trung tâm thị trấn với địa hình tựa như lòng chảo - một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi, một bên là dòng sông Gâm uốn lượn hiền hòa. Không giống như chợ tình Sa Pa, Mộc Châu có thể diễn ra thường xuyên theo tháng, theo tuần trăng, thì chợ tình Phong Lưu của Bảo Lạc (Cao Bằng) mỗi năm chỉ họp 2 lần vào ngày 30/3 và 15/8 (âm lịch). Phiên 30/3 là phiên chợ gái trai gặp gỡ, tìm hiểu, bén duyên. Phiên 15/8 là phiên hẹn hò, tặng quà và nói lời hẹn ước, được diễn ra từ hôm áp phiên từ chiều hôm trước chợ chính cho đến chính chợ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết:  Sau 2 năm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao du lịch do dịch COVID-19, huyện Bảo Lạc tổ chức phục dựng lại lễ hội truyền thống nhằm tái hiện những giá trị đời sống sinh hoạt, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đây là không gian kết nối và giao thoa văn hóa, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch của đồng bào các dân tộc Bảo Lạc tới du khách trong và ngoài nước.

Đèo Khau Cốc Trà dốc 15 tầng

Trong thời gian tới, huyện Bảo Lạc xác định du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện tập trung phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Với thế mạnh cảnh sắc thiên nhiên ưu đãi như núi Phja Dạ, đèo Khau Cốc Trà dốc 15 tầng, hồ Thôn Lốm, khe Hồ Nhảy, đèo Mẻ Pia, Thác Nặm Ngùa… cùng những sản vật nức tiếng như mận máu, lê Xuân Trường, bánh trưng đen, thịt lợn chua, lạp sườn hun khói… và kho tàng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, hứa hẹn trong thời gian tới, Bảo Lạc sẽ là điểm nhấn trên bản đồ du lịch được tìm kiếm.

Những đặc sản của Cao Bằng

Trong khuôn khổ Tuần lễ, UBND huyện Bảo Lạc còn tổ chức chợ đêm thị trấn Bảo Lạc vào ngày 10/9, công bố kết quả và trao giải cuộc thi tìm kiếm các sản phẩm du lịch huyện Bảo Lạc. Đồng thời, trao giải thi hát dân ca giao duyên và trình diễn trang phục dân tộc, trao giải thi các môn thể thao truyền thống, cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật về Bảo Lạc với chủ đề "Bảo Lạc - Đất nước - Con người" năm 2021.

Chia sẻ Facebook