Hủy niêm yết cổ phiếu, cần quy định rõ
Còn nhớ việc báo giới từng đưa tin cổ phiếu HAG của Công ty Hoàng Anh Gia Lai đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán vào đầu năm 2022 do thua lỗ ba năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019) không những là một cú sốc lớn đối với nhà đầu tư, cổ đông sở hữu cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam tại thời điểm đó…
Hủy niêm yết cổ phiếu, cần quy định rõ
Quy định của pháp luật về hủy niêm yết cổ phiếu
Quy định hủy niêm yết cổ phiếu hiện nay được điều chỉnh trực tiếp bởi Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định 155) và Quy chế niêm yết chứng khoán tương ứng của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM ( HOSE ) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ( HNX ).
Theo đó, hủy niêm yết là việc chấm dứt giao dịch chứng khoán niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hủy niêm yết, nhưng được phân thành hai nhóm chủ yếu là (i) hủy niêm yết tự nguyện; và (ii) hủy niêm yết bắt buộc.
Trong đó, hủy niêm yết tự nguyện là việc doanh nghiệp tự nộp đơn xin hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đáp ứng được các điều kiện quy định tại điều 121.1 của Nghị định 155, chẳng hạn như phải được đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua theo quy định của Luật Doanh nghiệp (đối với trường hợp hủy bỏ niêm yết cổ phiếu) và chỉ được thực hiện sau tối thiểu hai năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán.
Việc hủy niêm yết bắt buộc xảy ra khi cổ phiếu và công ty phát hành không đáp ứng đầy đủ các quy tắc, quy định về niêm yết theo quy định của pháp luật và các sàn giao dịch chứng khoán đề ra. Các trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc được quy định tại điều 120.1 của Nghị định 155, bao gồm một số trường hợp điển hình như (i) Tổ chức niêm yết bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành; (ii) Tổ chức niêm yết bị hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; (iii) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét; hoặc (iv) Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản…
Trên thực tế có không ít doanh nghiệp thuộc trường hợp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc, đơn cử như vụ 60 triệu cổ phiếu PXS được phát hành bởi Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc tại HOSE vào ngày 24-6-2022. Lý do hủy niêm yết là tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2019, 2020 và 2021 của PXS , thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điều 120.1(h) Nghị định 155. Một trường hợp khác là 28.708.169 cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia bị hủy niêm yết bắt buộc tại HOSE từ ngày 16-5-2022. Nguyên nhân bị hủy niêm yết là do công ty kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp (2019, 2020 và 2021), thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điều 120.1(e) Nghị định 155.
Nhận diện những bất cập hiện nay
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chỉ mới quy định về điều kiện và các trường hợp hủy niêm yết mà không có quy định rõ ràng về thủ tục cũng như quy trình thực hiện hủy niêm yết. Đặc biệt là chưa có quy định về thời hiệu xử lý, các mốc thời gian và thiếu cơ chế công bố thông tin của sở giao dịch chứng khoán.
Điển hình là những lùm xùm liên quan đến thông tin cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai bị hủy niêm yết. Trong vụ việc này, cổ phiếu HAG có nguy cơ bị hủy niêm yết do công ty thua lỗ ba năm liên tiếp từ năm 2017-2019 theo quy định tại điều 120.1(e) Nghị định 155. Tuy nhiên, cần phải xem xét rằng thông tin Hoàng Anh Gia Lai thua lỗ đã được công bố từ tháng 3-2021 và từ đó cho đến đầu năm 2022, cơ quan chức năng không có bất cứ thông tin cảnh báo nào cho các nhà đầu tư về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của công ty này. Trong năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai đã có lãi, các nhà đầu tư dựa vào đó để mua cổ phiếu của công ty này là hoàn toàn hợp lý.
Nguyên nhân Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM lúng túng, trì hoãn trong việc giải quyết vấn đề phát sinh là do thiếu quy trình xử lý chuẩn mực làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư và các bên liên quan.
Ngoài ra, khung pháp lý về hủy niêm yết hiện nay còn thiếu vắng các quy định bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ. Đối với trường hợp hủy niêm yết tự nguyện, các cổ đông luôn nằm ở thế bị động. Do vậy, việc công bố thông tin kịp thời của sở giao dịch chứng khoán là rất cần thiết để các nhà đầu tư có quyết định phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Mặt khác, quy định của pháp luật cũng chưa có cơ chế đối thoại giữa các nhà đầu tư, tổ chức phát hành cổ phiếu và sàn giao dịch chứng khoán trước khi đi đến các quyết định chính thức về việc hủy niêm yết.
Được và mất của việc hủy niêm yết
Từ góc độ quản trị doanh nghiệp và đầu tư, việc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu bắt buộc rõ ràng là một tín hiệu xấu đối với doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là về tình trạng tài chính và công tác quản lý. Một số khó khăn điển hình sau đây có thể xảy ra đối với doanh nghiệp khi bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc:
Thứ nhất, khi thông báo hủy niêm yết cổ phiếu được đưa ra công chúng, giá cổ phiếu của doanh nghiệp thường giảm sâu không phanh, mất đi tính thanh khoản dù vẫn được giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom.
Thứ hai, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn đầu tư thông qua sàn giao dịch chứng khoán. Không có nhiều lựa chọn đa dạng về mức chi phí huy động vốn hợp lý để phục vụ cho quá trình phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần vốn có thể phải đi vay ngân hàng, thủ tục rườm rà, phải có tài sản thế chấp và phải trả lãi vay;
Thứ ba, doanh nghiệp có thể đánh mất hình ảnh và thương hiệu cũng như uy tín đã gây dựng trước các bạn hàng và đối tác khi phương tiện thông tin đại chúng công bố thông tin doanh nghiệp hủy niêm yết cổ phiếu;
Thứ tư, do không phải chịu sự quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và của các cổ đông đại chúng dẫn đến việc các doanh nghiệp có thể mất đi tính minh bạch, chuẩn mực và hiệu quả trong quản trị, không đảm bảo sự lành mạnh về tài chính và các hoạt động đầu tư; và
Thứ năm, khó có cơ hội tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp thông qua việc nâng giá thị trường của cổ phiếu. Đối với các doanh nghiệp thông thường, giá trị doanh nghiệp chủ yếu dựa vào giá trị trong sổ sách kế toán. Khi niêm yết trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt, uy tín có thể cao hơn giá sổ sách của nó. Điều này có thể làm tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu cũng có thể đem lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp phát hành, chẳng hạn như:
Thứ nhất, doanh nghiệp khi đó không buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản trị doanh nghiệp, báo cáo và cung cấp thông tin rộng rãi, cũng như chịu sự giám sát chặt chẽ, chất vấn của các cơ quan quản lý, các cổ đông và nhà đầu tư. Giữ được bí mật lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ kinh doanh;
Thứ hai, tạo sự ổn định về cơ cấu, bảo mật tốt hơn các thông tin nội bộ của doanh nghiệp cũng như quyền kiểm soát của các cổ đông trong quá trình quản lý doanh nghiệp. Bảo vệ doanh nghiệp trước nguy cơ bị thâu tóm bởi các cổ đông lớn từ bên ngoài;
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu huy động thêm vốn hoặc có định hướng kinh doanh mới sẽ không mất các khoản chi phí niêm yết tốn kém;
Thứ tư, đối với một số doanh nghiệp, nếu tiếp tục niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, giá trị giao dịch cổ phiếu có thể thấp hơn giá trị hợp lý của cổ phiếu. Vì thế, việc hủy niêm yết chủ động và tự nguyên có thể làm cho giá trị của doanh nghiệp không bị giảm, giữ được uy tín, những lợi thế nhất định cũng như hình ảnh của doanh nghiệp; và
Thứ năm, không mất nhiều thời gian để thực hiện triệu tập và tổ chức các cuộc họp đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị cũng như các thủ tục rườm rà để thông qua các quyết định nội bộ.
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng Việt Nam cần tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước phát triển để hoàn thiện quy định pháp luật cũng như quy trình xử lý việc hủy niêm yết chứng khoán, hướng tới xây dựng một thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và đáng tin cậy.
LS. Thân Trọng Lý - Nguyễn Thị Mỹ Linh
TBKTSG