Hủy mua tàu ngầm, Úc phải đền Pháp hơn nửa tỉ USD
Sau nhiều tháng tranh cãi, Chính phủ Úc và tập đoàn Naval Group đã thống nhất về mức bồi thường cho việc Canberra đơn phương hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm từ Pháp. Số tiền mà Úc phải trả là hơn 584 triệu USD.
Trong thông báo ngày 11-6, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết Naval Group đã đồng ý mức bồi thường 555 triệu euro (tương đương 584 triệu USD hoặc 835 triệu AUD).
Nhà lãnh đạo Úc gọi đây là một dàn xếp "công bằng và hợp lý" sẽ kết thúc các tranh cãi nhiều tháng qua giữa hai bên. Hiện Naval Group và Pháp chưa lên tiếng bình luận.
Quyết định hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm trị giá hàng chục tỉ USD đã đẩy quan hệ Úc - Pháp vào trạng thái bấp bênh gần 1 năm qua.
Vào tháng 9 năm ngoái, Úc cùng Anh và Mỹ bất ngờ công bố cơ chế hợp tác ba bên với tên gọi tắt AUKUS. Theo cơ chế này, Úc sẽ được Anh và Mỹ hỗ trợ đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thay thế đội tàu ngầm thông thường hiện có.
Thủ tướng Úc khi đó là Scott Morrison tuyên bố sẽ không mua tàu ngầm từ Pháp, một quyết định khiến Paris phẫn nộ, đưa ra những chỉ trích khó nghe với Anh và Úc.
Lý do được Canberra đưa ra là các tàu ngầm thông thường do Pháp đóng không đáp ứng được các yêu cầu của Úc trong bối cảnh địa chính trị khu vực thay đổi. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho phép Úc tăng khả năng răn đe quân sự nhờ khả năng hoạt động bí mật và ở lâu trong lòng biển.
Theo giới quan sát, với việc đạt được thỏa thuận bồi thường, quan hệ Úc - Pháp sẽ dần trở lại quỹ đạo ban đầu. Bản thân Thủ tướng Albanese cũng phát đi thông điệp hòa giải trong ngày 11-6.
"Mong sẽ nhận được lời mời của Tổng thống Pháp để thăm Paris trong thời gian sớm nhất. Một cuộc gặp trực tiếp giữa tôi với Tổng thống Emmanuel Macron tại Pháp là rất quan trọng để thiết lập lại mối quan hệ này. Đó sẽ là cuộc gặp quan trọng, vì lợi ích quốc gia của Úc", ông Albanese bày tỏ.
Úc sẽ không thể có tàu ngầm hạt nhân trong một sớm một chiều. Chính quyền Canberra dự định tiếp tục nâng cấp các tàu ngầm thông thường hiện có hoặc thuê tàu ngầm hạt nhân từ Anh, Mỹ để bù đắp khoảng trống nếu tàu ngầm thông thường đến hạn "nghỉ hưu".
Truyền thông Úc đưa tin Brisbane, Newcastle và Port Kembla là những địa điểm mà nước này có thể đặt căn cứ tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân mới.