Hút thuốc lá thụ động cũng tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trong đó hút thuốc lá, kể cả hút thuốc thụ động là lý do chủ yếu.
Hút thuốc lá thụ động là việc hít phải khói thuốc lá từ người khác. Khói thuốc có thể đến từ đầu điếu thuốc lá đang cháy hoặc khói thuốc do người hút phả ra không khí. Nhiều người cho rằng thuốc lá chỉ gây hại cho bản thân người hút, nhưng các nghiên cứu khoa học đã khẳng định những người hút thuốc thụ động cũng phải chịu những tổn thương về sức khỏe tương tự như người hút.
Ông Tạ S. (66 tuổi) ở TP. Buôn Ma Thuột điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk đã gần 20 năm. Trung bình mỗi năm, ông phải nhập viện điều trị từ 3-4 đợt, kinh phí chi trả vô cùng tốn kém. Ông cho biết bản thân không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc lá.
Ông S. chia sẻ: "Gia đình tôi kinh doanh quán cà phê, khách đến quán hút thuốc rất nhiều. Mấy chục năm nay, ngày nào tôi cũng phải ngửi khói thuốc".
Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị L. (73 tuổi) ở huyện M’Đrắc cũng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk.
Bà L. cho biết: Chồng và hai con trai thường xuyên hút thuốc lá, nhất là anh con út hút từ khi mới hơn 10 tuổi cho đến nay.
"Tôi bị bệnh hen từ nhỏ, hơn 10 năm nay lại mắc thêm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sức khỏe ngày càng yếu, khó thở thường xuyên. Bác sĩ nói do tôi bị hen mà lại phải hít khói thuốc lá nhiều nên bệnh càng nặng thêm" - bà Nguyễn Thị L. chia sẻ.
Theo bác sĩ Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, mặc dù hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể về tỷ lệ bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, nhưng theo khai thác thông tin bệnh nhân thì gần 100% bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại bệnh viện có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc.
Bác sĩ Rmah Lương cho biết: "Khói thuốc lá có khoảng 6.000 - 7.000 hóa chất độc hại, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người hút. Ngoài ra, trong khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhầy và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhầy - lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc".
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk, khi được chẩn đoán, xác định mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh nhân được tư vấn nên bỏ ngay việc hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc. Việc làm này vô cùng quan trọng, quyết định hiệu quả điều trị của bệnh nhân.
"Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thực hiện tốt chỉ định của bác sĩ điều trị thì có thể kiểm soát được tình trạng bệnh, hạn chế nguy cơ biến chứng và giảm số lần nhập viện" - bác sĩ Rmah Lương nói.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính diễn tiến âm thầm từ nhẹ đến nặng nên bệnh nhân rất dễ bỏ qua các biểu hiện ở giai đoạn sớm như ho kéo dài, khạc đờm. Cho đến khi xuất hiện các biểu hiện nặng hơn như khó thở, nhất là khi vận động mạnh, thở khò khè, tức ngực, ho có đờm kéo dài… thì mới đi khám.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở mức độ nặng có thể gây thêm các biến chứng như tràn khí màng phổi, suy tim phải… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sức lao động, chi phí điều trị lớn vì thường xuyên phải tái nhập viện nhiều lần trong năm. Bệnh nhân trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Căn bệnh này hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể dự phòng, trong đó không hút thuốc và tránh khói thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Ngoài ra, mỗi người cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh như ăn uống và tập thể dục thể thao khoa học, đồng thời, đi khám sớm nếu có dấu hiệu của bệnh.