Hụt thu tài chính, lợi nhuận của PVTrans bị sụt giảm
Quý II/2022, PVTrans đạt 2.265 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 20% song lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm 16%, ở mức 265,5 tỷ đồng.
Tổng Công ty Vận tải Dầu khí Việt Nam (PVTrans - HoSE: PVT) công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu thuần 2.265 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của đơn vị tăng chủ yếu nhờ giá cước vận tải tăng theo giá nguyên liệu, các tàu khai thác đủ chuyến và số lượng tàu đầu tư mới tăng lên. Giá vốn hàng bán tăng 20,6% lên 1.824 tỷ đồng khiến biên lãi gộp giảm.
Doanh thu tài chính của PVTrans đạt 41,4 tỷ đồng, giảm 49,3% so với cùng kỳ năm trước do lãi tiền gửi giảm và thu nhập khác do không thanh lý tàu. Các chi phí đều tăng, đặc biệt chi phí tài chính là 73 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ. Trong đó, chi phí lãi vay gấp 2,6 lần lên 54,7 tỷ đồng.
Kết quả, công ty ghi nhận lãi sau thuế là 265,5 tỷ đồng, giảm 16,4% so với quý II/2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 213 tỷ đồng, giảm 23% Lợi nhuận quý này giảm chủ yếu do PVTrans tăng chi phí lãi vay để đầu tư tàu mới.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.287 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gần như đi ngang đạt 460 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt hơn 365 tỷ, giảm 3%. Như vậy với kết quả này, PVTrans đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 96% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của PVTrans đạt gần 13.771 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, chủ yếu do tài sản cố định tăng. Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên, những tháng đầu năm, công ty đã đầu tư thêm 3 tàu. Theo kế hoạch cả công ty mẹ và công ty thành viên cần đầu tư khoảng 23 tàu.
Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới một năm với hơn 3.500 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản. Trong quý II, PVTrans thu về 14 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Các khoản phải thu ngắn hạn là 1.468 tỷ, hầu hết là thu ngắn hạn từ khách hàng, tăng 10%. Công ty cũng đang ghi nhận 108 tỷ đồng nợ xấu. Quy mô nợ vay của PVTrans là 3.865 tỷ đồng, hầu hết là đi vay dài hạn, tăng 19%. Việc đẩy mạnh đi vay là do trong năm nay công ty có nhu cầu mua thêm tàu mới.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ, đánh giá về tình hình vận tải biển, lãnh đạo PVTrans cho biết trong ngắn hạn, thị trường quốc tế sẽ diễn biến thuận lợi với giá cước tăng ở hầu hết các phân khúc tàu, nguyên do xung đột Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp cấm vận đội tàu biển của Nga, đẩy nhu cầu vận tải biển ở các khu vực khác tăng lên.
Bên cạnh đó, sự thay đổi nguồn cung làm cho nhu cầu tàu, lượng hàng luân chuyển bằng đường biển thay đổi, tạo ra các tuyến giao thương đường biển thay thế, gia tăng cơ hội tham gia vận chuyển của các đội tàu quốc gia khác. Điều này sẽ có lợi cho các chủ tàu nhờ giá cước tăng mạnh.
Đến năm 2023, suy thoái kinh tế có thể diễn ra, vận tải sẽ có sụt giảm những không ảnh hưởng đáng kể so với nhu cầu khổng lồ. Còn với trong nước, giá cước tàu nội địa sẽ neo theo giá dầu. Về cơ bản, giá dầu biến động không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của công ty .