Hungary tính bán hàng quân sự lỗi thời cho đối tác chiến lược Serbia
Không quá lời khi nói rằng sự ổn định và an ninh của Tây Balkan – khu vực có Serbia, liên quan trực tiếp và ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh của châu Âu.
Trong quá trình hiện đại hóa năng lực quân sự, Hungary – quốc gia thành viên EU và NATO – đang “dọn dẹp” kho vũ khí lỗi thời của mình. Quốc gia láng giềng phía Nam là Serbia được cho là đối tượng tiềm năng tiếp nhận các trang bị thiết bị cũ kỹ sản xuất cách đây chục năm và thậm chí có từ thời Liên Xô.
“Chính phủ và Bộ Quốc phòng Hungary mong muốn tìm kiếm mối quan hệ đối tác với Serbia để ngành công nghiệp quốc phòng Hungary được phát triển và đổi mới trong khuôn khổ phát triển các lực lượng vũ trang”, Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristóf Szalay-Bobrovniczky cho biết tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Serbia Miloš Vučević hồi cuối tháng trước.
Ông Szalay-Bobrovniczky nhắc lại rằng đất nước ông và Serbia đã đồng ý rằng bên cạnh hợp tác quân sự, hai sẽ thành lập một nhóm làm việc liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng và các hoạt động mua sắm liên quan. “Hôm nay chúng ta ở đây vì lý do này. Nhóm làm việc này vừa được thành lập ở Budapest và đã bắt đầu hoạt động”, ông nói.
“Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Hungary đã bán cho Serbia những thiết bị từ thời Liên Xô không còn được sử dụng. Đây là một bước quan trọng trong hợp tác. Điều này trở nên khả thi vì Hungary không ngừng phát triển lực lượng vũ trang của mình và các thiết bị mới liên tục đổ về với số lượng lớn từ các đợt mua sắm khác nhau”, vị Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, những thiết bị cũ có thể sửa chữa hoặc hiện đại hóa sẽ không được bán, và Lực lượng Phòng vệ Hungary sẽ tìm địa điểm và chức năng cho những thiết bị này tại đơn vị của mình, theo ông Szalay-Bobrovniczky.
Các mặt hàng tiềm năng
Mặc dù ông Szalay-Bobrovnivzky không đề cập đến thiết bị cụ thể nhưng tờ Defense Post phác thảo một loạt nền tảng phòng thủ mà Hungary có thể cung cấp, bao gồm xe bọc thép đa năng M1151 do Mỹ sản xuất và máy bay huấn luyện JAS 39C của Thụy Điển, tất cả đều có tuổi đời hơn một thập kỷ.
Hungary cũng sở hữu các hệ thống từ thời Liên Xô, như trực thăng tấn công MiG24 và xe chiến đấu bọc thép. Ngoài ra, Budapest được cho là có 30 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 M1 đã cũ, được coi là “đã chín muồi để người Serbia lựa chọn”.
“Bằng cách bán những mặt hàng này, chúng tôi cũng có thể tiết kiệm chi phí lưu kho bãi”, ông Szalay-Bobrovnivzky cho biết.
Trước khi công bố ý định bán các thiết bị lỗi thời như vậy, Hungary đã bán 26 xe chiến đấu bộ binh bọc thép BTR-80A thời Liên Xô cho Serbia vào cuối tháng trước. Các phương tiện này được trang bị thiết bị nhìn đêm và hệ thống liên lạc tiên tiến, nhưng chúng được cho là không còn phù hợp với nhu cầu phòng thủ lâu dài của Budapest.
Theo tờ báo Srbija Danas của Serbia, quốc gia Balkan này đã đưa ra “quyết định rất đúng đắn” khi mua lô xe bọc thép này vì chúng có thể được sử dụng để hỗ trợ các nhiệm vụ quân sự khác nhau ở Serbia. Hungary lần đầu tiên đưa xe BTR-80A vào sử dụng vào năm 1996.
Các hạng mục mua sắm quan trọng
Chương trình hiện đại hóa Quân đội Hungary liên quan đến một số hoạt động mua sắm quan trọng, bao gồm việc mua 214 xe bọc thép Lynx, 44 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7+ và 24 pháo phản lực PzH 2000, cũng như máy bay KC-139, trực thăng H145M và H225M, và hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS.
Hungary cũng đang tìm cách thúc đẩy và đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng thông qua một số thỏa thuận hợp tác với các công ty quốc phòng nước ngoài.
Ví dụ, hồi giữa tháng 12 năm ngoái, quốc gia Trung Âu đã đồng ý tham gia cùng công ty quốc phòng Rheinmetall của Đức trong việc phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực Panther KF51. Rheinmetall đang hợp tác trong dự án với công ty cổ phần nhà nước Hungary N7.
Bộ trưởng Quốc phòng Hungary cũng cho biết ông và người đồng cấp Serbia đã thảo luận về tình hình an ninh của các khu vực Trung Đông Âu và Tây Balkan. Ông nói: “Không quá lời khi nói rằng sự ổn định và an ninh của Tây Balkan liên quan trực tiếp và ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh của châu Âu. Do đó, chúng tôi đều quyết tâm đảm bảo an ninh của khu vực”.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Vučević, người đồng thời là Phó Thủ tướng Serbia, cho biết Budapest luôn có thể tin tưởng Belgrade như một đối tác chiến lược, và hai bên chia sẻ các giá trị chung và tầm nhìn chung về châu Âu.
“Chúng tôi tin vào một châu Âu có truyền thống và giá trị nhưng cũng có tương lai chung”, ông Vučević nói, đồng thời gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Hungary vì đã luôn ủng hộ Serbia trong vấn đề gia nhập Liên minh châu Âu (EU) .
Minh Đức (Theo Defense Post, Defence Hungary, Airforce Technology)