Hungary muốn vừa giúp Ukraine vừa giữ quan hệ với Nga
Hungary có nhu cầu duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow, viện dẫn sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, nhưng vẫn muốn thúc đẩy tư cách thành viên EU cho Ukraine.
Hungary đang đồng thời thúc giục tăng tốc quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, Balazs Orban, cố vấn trưởng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cho biết.
“Lập trường của Hu nga ry dựa trên ý tưởng về sự kết nối”, ông Balazs Orban cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Brussels hôm 16/12, đề cập đến Nga. “Vì vậy, chúng ta không nên tách mình ra khỏi nhau”.
Hungary tuần này đã chặn việc bổ sung tên một số quan chức Nga vào danh sách trừng phạt của EU, theo Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto.
Cuối cùng, sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU, hơn 100 cá nhân và hàng chục tổ chức đã được thêm vào danh sách trong gói trừng phạt thứ 9 của khối này đối với Moscow, theo các tài liệu mà Bloomberg có được. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trừng phạt khoảng 200 cá nhân và tổ chức của Nga với lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại.
Thủ tướng Orban trước đó đã kêu gọi EU rút lại tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Các quan chức của ông cũng chỉ ra rằng, hơn bất kỳ quốc gia EU nào khác, Budapest có nhu cầu duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow, viện dẫn sự phụ thuộc của Hungary vào năng lượng Nga.
Ông Balazs Orban cho biết, trong khi giới lãnh đạo Ukraine công khai chỉ trích Hungary vì thúc đẩy lợi ích của Nga trong EU, thì chính phủ Budapest vẫn ủng hộ nỗ lực gia nhập EU của Ukraine và muốn EC, cơ quan điều hành của khối, hành động. Vị cố vấn cũng cho biết chính phủ Hungary ủng hộ việc gia nhập EU của Serbia.
“Chúng tôi hy vọng điều này diễn ra càng sớm càng tốt”, vị cố vấn nói về tư cách thành viên EU của Ukraine. “Và các quốc gia thành viên nên gây áp lực lên EC để đẩy nhanh quá trình”.
Hungary được cho là thường gây những “cơn đau đầu” cho EU, và Thủ tướng Orban được cho là “cái gai” trong giới lãnh đạo khối, đặc biệt là kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.
Nhà lãnh đạo Hungary đã khôn khéo sử dụng đòn bẩy ở cấp độ EU để đạt được một số lợi ích vì một số quyết định cần có sự nhất trí từ 27 quốc gia thành viên – bao gồm gói hỗ trợ cho Ukraine và các vòng trừng phạt khác nhau đối với Nga.
Hungary – quốc gia vừa là thành viên EU vừa là thành viên NATO – tuyên bố kiên quyết không gửi vũ khí cho Kiev cũng như không cho vũ khí các nước viện trợ được quá cảnh qua đất nước để sang nước láng giềng Ukraine.
Mùa xuân vừa qua, Hungary đã được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận mua dầu Nga. Mùa hè vừa rồi, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã tới Moscow để đàm phán về việc mua thêm khí đốt Nga .
Minh Đức (Theo Bloomberg, Foreign Policy)