Hungary được EU miễn áp giá trần khí đốt
Hungary được miễn áp giá trần khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) để không ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung khí đốt của nước này.
Đây là thông báo của Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào ngày 21/10.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ và đạt thỏa thuận. Theo đó, bất kỳ kế hoạch nào của EU áp giá trần khí đốt trong tương lai sẽ không áp dụng với các thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn, trong đó có thỏa thuận mà Hungary đã ký với tập đoàn Gazprom của Nga trong 15 năm.
Trong nội dung đăng tải trên Facebook, ông Orban nêu rõ, Hungary được miễn áp giá trần khí đốt để không ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung khí đốt của nước này. Bên cạnh đó, Thủ tướng Orban cũng cho biết, ngay cả khi châu Âu có hợp đồng mua khí đốt chung, Hungary cũng không bắt buộc phải tham gia.
Như vậy, mọi phương án mua khí đốt của Hungary đều để ngỏ và nước này sẽ có nhiều nguồn cung và nhiều cạnh tranh hơn trên thị trường năng lượng để giảm giá khí đốt .
Tuyên bố của Thủ tướng Hungary được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước EU tiếp tục hội đàm ngày thứ hai để bàn về vấn đề áp đặt giá trần khí đốt Nga, hỗ trợ Ukraine và trừng phạt Iran.
Trước đó, trong ngày hội đàm thứ nhất, các nước EU chưa thể tìm ra tiếng nói chung về áp giá trần khí đốt do vấp phải phản đối từ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. EU tuyên bố sẽ tiếp tục cân nhắc thêm các lựa chọn để có thể đưa ra giá trần phù hợp.
Tháng 9/2021, công ty MVM của Hungary ký với Gazprom hai hợp đồng dài hạn, cung cấp tổng cộng 4,5 tỷ m 3 khí đốt/năm theo đường ống đi qua Serbia và Áo mà không đi qua Ukraine. Cuối tháng 8 vừa qua, Hungary ký với Gazprom hợp đồng thời hạn 2 tháng cung cấp thêm 5,8 triệu m 3 khí đốt/ngày đêm bắt đầu từ ngày 1/9.
Vì việc sử dụng đường ống Dòng chảy phương Bắc hiện gặp khó khăn, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đến Moscow (Nga) mới đây, hai bên đạt thỏa thuận tăng cung cấp khí đốt của Nga cho Hungary qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và nhánh đường ống này qua Bulgaria và Serbia.
Hungary sẽ không đồng ý với giới hạn giá của EU liên quan tới khí đốt nhập khẩu vì nếu làm như vậy, nước này sẽ phải chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga.