Hungary có đồng minh “bất đắc dĩ” trên mặt trận trừng phạt Nga của EU

Chia sẻ Facebook
29/05/2023 12:21:17

Gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga đã bị Hungary và Hy Lạp chặn lại vì 2 nước này muốn các công ty của họ được xóa khỏi một “danh sách đen” do Ukraine lập.


Hungary vừa có được một đồng minh “bất đắc dĩ” khi Hy Lạp bất ngờ thể hiện thái độ hoài nghi đối với các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU nhắm vào Nga. EU hiện đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong khi 10 gói trừng phạt trước đây của EU tập trung vào các biện pháp nhằm hạn chế “hòm chiến tranh” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì trong gói thứ 11 này, Brussels hiện muốn ngăn chặn tình trạng tránh né các lệnh trừng phạt.

Trong một bước đi chưa từng có tiền lệ, EU đã đề xuất trừng phạt các bên thứ 3 đang giúp Moscow tránh các lệnh cấm vận thương mại.

Nhưng 2 vòng đàm phán tại Brussels trong tuần qua đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, trang Politico đưa tin hôm 27/5, trích dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao ẩn danh.


Theo Politico, các cuộc đàm phán về gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga đã bị đình trệ do sự phản đối từ Hungary và Hy Lạp vì Budapest và Athens muốn các công ty của họ được xóa khỏi một “danh sách đen” do chính quyền Kiev lập.

Danh sách “nhà tài trợ chiến tranh quốc tế”, do Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NACP) lập và quản lý, nhắm vào các công ty nước ngoài vẫn đang kinh doanh ở Nga, trong đó có nhiều cá nhân và công ty có liên kết với EU, như nhà bán buôn Metro của Đức, nhà bán lẻ Auchan của Pháp, công ty xi măng Buzzi Unicem của Italy và tập đoàn ngân hàng Áo Raiffeisen.

Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó (trái) gặp Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias tại Athens, Hy Lạp, ngày 22/6/2022. Ảnh: Shutterstock

Hungary là quốc gia EU duy nhất lên tiếng phản đối gói trừng phạt mới nhất tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao hôm 22/5, bày tỏ lo ngại rằng các cáo buộc của Kiev đối với Ngân hàng OTP – ngân hàng thương mại lớn nhất Hungary – có thể bị hợp thức hóa với vòng trừng phạt tiếp theo của khối.

Hôm 24/5, Hy Lạp – có 5 công ty vận tải biển nằm trong danh sách đen của Ukraine – được cho là đã đứng chung chiến tuyến với Hungary khi cho rằng các cáo buộc trốn tránh lệnh trừng phạt có thể “rất gây tổn hại” cho nền kinh tế của nước này.

“Hy Lạp nhắc lại rằng, nếu có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm các biện pháp trừng phạt, những điều này cần được báo lại cho các quốc gia thành viên liên quan, ở cấp độ kỹ thuật, để điều này được điều tra đầy đủ và sau đó sẽ có hành động thích đáng”, một nhà ngoại giao EU quen thuộc với vấn đề nói với Politico.

Theo Politico, “danh sách đen” nói trên của Ukraine và vòng trừng phạt tiếp theo của EU không liên quan đến nhau, và Athens và Budapest chỉ đơn giản là đang trì hoãn các cuộc đàm phán nhằm đạt được đòn bẩy chính trị để đưa các công ty của họ ra khỏi danh sách của Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU ngần ngại công khai bêu danh các quốc gia bị cho là đang cố tình trì hoãn các cuộc đàm phán, với lo ngại rằng các quốc gia thành viên khác có công ty nằm trong tầm ngắm của Kiev cũng có thể hành động tương tự.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, đã thừa nhận vấn đề và “hiện tại ông ấy phải làm việc với người Ukraine để tìm ra giải pháp”, nguồn tin của Politico cho biết.

Nhà máy điện hạt nhân PAKS ở Hungary. Budapest tuyên bố phản đối một số điều khoản quan trọng trong đề xuất gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga, bao gồm năng lượng hạt nhân. Ảnh: EUObserver

Vẫn chưa rõ khi nào các nhà ngoại giao của EU sẽ tái thảo luận về gói trừng phạt thứ 11, nhưng theo 2 trong số các nhà ngoại giao, ở Brussels có sự đồng thuận về một điều: Cuối cùng EU sẽ nhất trí về gói trừng phạt mới.


Budapest giữ quan điểm trung lập về xung đột giữa Moscow và Kiev, từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine hay cho phép viện trợ phương Tây đi qua lãnh thổ của mình.

Mặc dù Hungary đã tham gia phần lớn vào các biện pháp trừng phạt hiện tại của EU đối với Nga, nhưng họ đã nhiều lần chỉ trích các hạn chế và phản đối những hạn chế sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của chính họ, bao gồm lĩnh vực năng lượng.

Bất chấp những nỗ lực của khối nhằm cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga, Athens vẫn nhập khẩu mạnh hàng hóa từ Nga, với giá trị nhập khẩu tăng hơn gấp đôi lên mức kỷ lục 9,33 tỷ Euro (10 tỷ USD) vào năm ngoái.


Tuy nhiên, cán cân thương mại giữa hai nước vào năm 2022 là âm, với giá trị xuất khẩu của Hy Lạp sang Nga giảm xuống 156,4 triệu Euro từ 206,6 triệu Euro vào năm 2021 .


Minh Đức (Theo Politico, RT)

Chia sẻ Facebook