Hứng lên là shopping, đồ nguyên tag cũng "vứt xó" một góc trong tủ
Đối với chị em phụ nữ, ai cũng yêu thích shopping. Thậm chí có những người mua sắm vô tội vạ, cứ hứng lên là vung tiền ra mua rồi về nhà treo tủ vô cùng lãng phí.
Câu chuyện pass đồ còn nguyên tag đã không còn xa lạ với giới trẻ ngày nay. Rất nhiều người mua đồ về cất tủ cả năm không dùng đến. Sau khi dọn tủ lại pass với giá rẻ. Dù biết là lãng phí nhưng khi hứng lên đi shopping lại không thể kìm lòng. Có phải chúng ta đang quá lãng phí?
Đồ nguyên tag cũng bị vứt xó
Đã bao giờ bạn mở tủ quần áo ra và giật mình khi có rất nhiều món đồ nguyên tag bị vứt xó một góc bên trong không? Tôi có một cô bạn cứ hứng lên là rủ hội chị em đi shopping. Lần nào cũng thấy nó xách về túi lớn túi bé. Mỗi lần đi chơi cô nàng đều mang theo mấy bộ váy vóc để thay. Nhưng đồ nguyên tag trong tủ thì nhiều vô số kể.
Tôi còn nhớ năm ngoái 2 đứa mua đôi một chiếc áo da. Trong khi áo của tôi mặc đã sờn hết cả rồi thì áo của nó vẫn còn nguyên tag. Hỏi ra thì bảo: “thôi bà mặc đẹp hơn tôi mặc cùng lại bị so sánh”. Thế là số phận của chiếc áo đó vẫn nằm yên trong tủ từ mùa đông năm ngoái đến năm nay hết mùa đông rồi vẫn chưa được lôi ra.
Không phải riêng cô bạn này, những người tôi quen khác cũng y như vậy. Trong đó phải kể đến vợ của anh họ tôi. Hôm đó, trong họ có đám cưới mọi người đều tập trung về nhà chị để trang điểm. Chị lôi cả đống đồ nguyên tag ra cho mọi người chọn mang về. Có cái tôi nhận ra là mẫu hot trend cách đây 2, 3 năm. Hồi đó tôi cũng mua một chiếc. Tôi mới hỏi chị sao mà lắm đồ nguyên tag thế. Bà chị tôi liền khẳng định ngay “Ôi hứng lên thì chị mua ấy mà về lại thấy chán. Mới cả về nhà cảm giác mặc không đẹp bằng ở shop ấy”.
Một cô bé đồng nghiệp khác ở chỗ tôi nài nỉ ỉ ôi tôi đi cùng bằng được để mua chiếc váy ở shop cách chỗ làm tới 15km. Thế mà 2 tháng rồi tôi chưa thấy nó mặc lần nào. Hỏi ra mới biết số phận của chiếc váy đó đã bị vứt xó trong tủ. Lý do cô bé đưa ra chính là vừa mua về thì người yêu nó chê màu không đẹp: “không hợp với da em đâu” . Thế là dù rất thích nhưng nghe người khác chê thì nó cũng không còn cảm xúc để mặc nữa.
Ngay cả bản thân tôi nhiều khi cũng bỏ xó rất nhiều món đồ nguyên tag vì những lý do khá trời ơi đất hỡi. Điển hình là một chiếc váy tôi mua để đi ăn cưới bạn thân vào ngày cưới chính hôm sau. Nhưng buổi chiều hôm trước tới ăn tiệc thì gặp ngay một cô bạn cũ mặc chiếc y hệt. Không lẽ hôm sau tôi lại diện lại chiếc váy “đụng hàng” từ hôm trước này. Buổi chiều nó và chiếc váy đó đã nổi bật cả bữa tiệc, được mọi người xuýt xoa. Nếu hôm sau tôi cũng mặc nhất định sẽ bị bảo bắt chước. Thế là dù đã cất công đi mấy shop thử rồi chọn lên chọn xuống tôi cũng đành bỏ.
Treo tủ cả năm rồi pass lại
Mua một món đồ về treo tủ cả năm không mặc rồi lôi ra thanh lý đã là chuyện như cơm bữa với giới trẻ bây giờ. Hầu như hôm nào tôi cũng bắt gặp những bài đăng trên mạng xã hội của bạn bè kiểu như “Em dọn tủ pass lại đồ nguyên tag hoặc mới chỉ mặc 1 lần. Chị em quan tâm chấm em up ảnh dưới comment ”. Tôi cũng đã không ít lần mua được đồ với giá siêu hời từ các bài post như vậy.
Thậm chí còn có những món đồ hiệu nguyên tag được pass lại nửa giá. Tôi cũng mới mua được 2 chiếc túi Charles & Keith như vậy từ cô bạn từng học chung trường cấp 3. Khi hỏi nó sao mà pass rẻ vậy không tiếc à. Nó liền trả lời: “Tiếc gì nữa pass được đồng nào hay đồng ấy còn mua túi mới chứ vứt xó cả năm trong tủ rồi có dùng đâu”. Tôi lại hỏi: “Ủa thế sao không dùng luôn mà phải pass lại để mua túi mới”. Lý do cô bạn tôi đưa ra là chiếc túi đã lỗi mốt rồi nó muốn mua túi của bộ sưu tập mới ra mắt.
Có những người còn có cả một bộ sưu tập những món đồ nguyên tag không dùng đến. Phải chăng chúng ta đang quá lãng phí dù kinh tế không quá dư dả? Tôi có một cô em họ mở shop quần áo, thỉnh thoảng cuối tuần tôi sẽ ghé shop nó ngồi chơi. Lúc này tôi bắt gặp hàng loạt khách mua đồ đều nói một câu: “Cái váy tháng trước chị mua nhà em vẫn nguyên tag trong tủ chị đã mặc đâu, thích thì cứ mua thôi”. Rồi một câu quen thuộc khác là “ở đây thử thì đẹp thế mà về nhà chẳng thấy đẹp, chị vẫn để nguyên tag trong tủ kia kìa”.
Cần cân đối chi tiêu, quần áo không phải chỉ là vật trang trí
Không thể phủ nhận mua sắm quần áo là một trong những phương diện chiếm phần lớn chi tiêu của các bạn trẻ hiện nay. Lĩnh lương mua quần áo mới, đám cưới mua quần áo mới, họp lớp mua váy vóc mới, đi du lịch lại càng không thể thiếu quần áo mới,... Bất kể một sự kiện gì chuẩn bị tham gia chúng ta cũng đều có xu hướng mua đồ mới để chưng diện bất kể là nam hay nữ.
Thời sinh viên cách đây vài năm tôi từng có công việc làm thêm kiếm được 5 triệu đồng/1 tháng. Ở thời đó đây là một số tiền cũng đủ cho tôi chi tiêu tươm tất. Bởi tiền ăn, tiền học và phòng trọ đã có bố mẹ hỗ trợ. Thế nhưng cứ hết tháng là tôi lại hết tiền. Mà thứ khiến tôi hết tiền nhanh nhất chính là quần áo. Hầu như mỗi lần lĩnh lương tôi và hội chị em đồng nghiệp lại đi mua sắm một lần. Mỗi lần như thế là ngốn luôn 1-2 triệu đồng. Chưa kể trong tháng sẽ có một vài đám cưới lại phải mua thêm giày dép, váy vóc đi đám cưới. Đó là thời sinh viên, còn khi đã ra trường đi làm thì nhu cầu chi tiêu cho quần áo càng lớn hơn. Lúc này lương cao hơn đồng nghĩa với việc chọn mua quần áo chất lượng hơn. Chưa kể lại càng có nhiều dịp cần phải mua sắm hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn từ bỏ được sở thích mua sắm vô tội vạ này thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều đấy nhé. Ví dụ như một cô gái người Singapore từng nổi tiếng khắp mạng xã hội khi tiết kiệm được 2 tỷ đồng trong 3,5 năm chỉ nhờ không ăn hàng và ngừng mua sắm.
Cụ thể, cô gái này tên là Jeraldine Phneah đã thực hiện lối sống tối giản. Bữa trưa Jeraldine thường chỉ ăn khoai lang và dứa. Cô nàng cũng ít xem ti vi, hạn chế dùng điều hòa. Và đặc biệt là giảm đến mức tối đa việc mua sắm quần áo, phụ kiện thời trang ngay cả khi đó là dịp Tết. Thậm chí kể cả việc kết hôn cũng được cô nàng tiết kiệm hết mức có thể. Jeraldine từng lựa chọn đến Việt Nam du lịch tuần trăng mật để tiết kiệm chi phí.
Tôi từng đọc được một quy tắc khá hay trong một cuốn sách nói về việc bạn chỉ nên mua thêm một chiếc quần áo sau khi bạn bỏ đi một chiếc. Tức là hiện tại dù không mua thêm bạn vẫn có đủ đồ để mặc. Vậy thì khi phải bỏ đi một món đồ hãy nghĩ đến việc mua món đồ mới để thay thế.
Hiện nay cũng có không ít bạn trẻ có xu hướng mặc lại đồ cũ, mua đồ second hand với tiêu chí “cũ người mới ta”, giá cả lại hợp lý. Một người chị tôi quen còn hào hứng khoe chiếc váy và đôi giày cũ được cho và kêu gọi mọi người sử dụng đồ cũ. Chị cho hay việc thải đi một chiếc quần/áo là tạo thêm gánh nặng cho môi trường, và việc sản xuất quần áo mới tốn không ít tài nguyên, phát thải rất nhiều chất độc hại.
Thế nên ai cho quần áo cũ chị cũng nhận và phải đến 50% đồ trong tủ của chị là đồ cũ của mọi người. Thậm chí, có những chiếc áo từ hồi cấp 3 cách đây cả chục năm mà tới giờ chị vẫn rất thích mặc. Suy cho cùng, giá trị của con người mình không tăng lên hay thấp đi bởi một bộ quần áo. Thiết nghĩ, nếu mỗi người đều trân trọng những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống, không dễ dàng vứt bỏ một thứ gì đó thì thật là tốt. Bởi đồ cũ của mình có khi là thứ hữu ích với người khác, quần áo không phải chỉ là món đồ trang trí và quan trọng hơn là bớt được một loại rác thải ra môi trường.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.
Trên thực tế mỗi người đều có một nhu cầu về ăn mặc khác nhau. Có người thích phong cách tối giản, sẵn sàng mặc lại một bộ quần áo nhiều lần. Nhưng có người mỗi bộ quần áo chỉ mặc một lần duy nhất. Thậm chí khi mua về rồi mà không thích sẵn sàng vứt xó trong tủ dù vẫn còn nguyên tag. Tuy nhiên, nếu có thể sử dụng một cách hợp lý hơn thì chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Chi phí đó có thể sử dụng vào những việc thiết yếu hơn.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !