Human Rights Watch kêu gọi Úc đề cập vấn đề vi phạm nhân quyền với Việt Nam
Toàn quyền Úc, David Hurley sẽ có chuyến thăm tại Hà Nội từ ngày 03 đến 06/04.
Chụp lại hình ảnh,
Các tù nhân chính trị ở Việt Nam (từ trái sang phải, hàng trên): Đỗ Nam Trung (10 năm tù), Cấn Thị Thêu (8 năm tù), Trịnh Bá Tư (8 năm tù), Lê Trọng Hùng (5 năm tù), Trịnh Bá Phương (10 năm tù); (từ trái sang phải, hàng dưới) Nguyễn Thị Tâm (6 năm tù), Phạm Đoan Trang (9 năm tù), Lê Văn Dũng (5 năm tù), Bùi Văn Thuận (8 năm tù)
3 tháng 4 2023
Tổ chức Human Rights Watch hôm nay kêu gọi Toàn quyền Úc đề cập đến vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong tất cả các cuộc họp với giới lãnh đạo Việt Nam.
Theo thông cáo chính thức, ông David Hurley sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, sau đó gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng bị kết án 6 năm tù
Human Rights Watch nêu trong tuyên bố, "Điều rất quan trọng là ông Hurley nên thảo luận về số phận của hơn 160 người đang bị bỏ tù vì thực thi quyền căn bản của mình một cách ôn hòa. Ông Hurley nên hối thúc chính phủ Việt Nam thả tự do tất cả các tù nhân chính trị."
"Ông Hurley nên kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện Châu Văn Khảm, công dân Úc, 73 tuổi và các nhà hoạt động nổi bật khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Cấn Thị Thêu."
Human Rights Watch cũng nhấn mạnh Toàn quyền Úc nên kêu gọi chính phủ chấm dứt các lệnh hạn chế về quyền tự do đi lại, áp đặt lên những nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, đề cập đến báo cáo mang tên "Locked Inside Our Home" vào tháng 02/2022, đề cập đến cách thức chính quyền Việt Nam sách nhiễu và giam giữ hơn 170 nhà hoạt động trong hai thập kỷ qua.
Báo cáo của HRW nói hơn 170 nhà hoạt động Việt Nam bị bắt giữ và sách nhiễu
Human Rights Watch cũng kêu gọi ông Hurley đề cập đến chính quyền Việt Nam về vấn đề vi phạm tự do tôn giáo, và cho phép các tổ chức tôn giáo tự do tiến hành các hoạt động của mình mà không bị can thiệp.
Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 18 giữa Việt Nam và Úc sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng Tư.
Trước sự kiện này, Human Rights Watch lặp lại lời kêu gọi chính phủ Úc sử dụng các cuộc đối thoại để thúc đẩy đạt được "những bước tiến rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường được" trong các lĩnh vực trên, đồng thời đề ra "những hậu quả trong mối quan hệ song phương" nếu những vi phạm nghiêm trọng từ phía Việt Nam không được giải quyết.
Phan Kim Khánh: 'Tôi đã đọc 600 cuốn sách trong 6 năm tù'
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Năm 2023 đánh dấu 50 năm, Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973 - 26/2/2023).
Hai quốc gia cũng sẽ đánh dấu cột mốc 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào ngày 15/03 tới (2018 - 2023).
Tình hình nhân quyền tại Việt Nam cho đến nay không cho thấy dấu hiệu khả quan khi liên tiếp các nhà hoạt động bị bắt giữ.
Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa tuyên sáu năm tù đối với vợ chồng ông Nguyễn Thái Hưng, chủ kênh YouTube 'Nói bằng thực TV' với tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước..." theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.
Trước đó, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 28/03 kết án nhà hoạt động Trương Văn Dũng sáu năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.
Báo cáo nhân quyền năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã đề cập với tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như sau:
"Các vấn đề nhân quyền nghiêm trọng được bao gồm trong những báo cáo đáng tin cậy về:
những vụ giết người phi pháp hoặc tùy tiện của chính phủ; tra tấn và đối xử và trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm do những người thuộc chính phủ tiến hành;
bắt và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tính độc lập của hệ thống tư pháp;
can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư; những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận và truyền thông, bao gồm bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính phủ, kiểm duyệt và sử dụng luật hình sự về tội phỉ báng;
những hạn chế nghiêm trọng đối với tự do internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp ôn hòa và tự do lập hội;
hạn chế quyền tự do đi lại, bao gồm cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính phủ của họ một cách ôn hòa thông qua bầu cử tự do và công bằng;
hạn chế nghiêm trọng việc tham gia chính trị; tham nhũng nghiêm trọng trong chính phủ; nạn mua bán người; những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do lập hội của người lao động; và sử dụng lao động trẻ em bắt buộc.
"Chính phủ đôi khi có hành động khắc phục, bao gồm truy tố các quan chức vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng, nhưng cảnh sát và quan chức nhà nước thường hành động mà không bị trừng phạt," dẫn báo cáo.