Huế: Xử lý hàng chục “quái xế” manh động, lạng lách thách thức CSGT
Thừa Thiên-Huế quyết tâm xử lý vấn nạn “quái xế” càn quấy, manh động gây mất an toàn giao thông trên địa bàn.
Ngày 15/11, thông tin từ Công an TP. Huế , trong 10 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tập trung xử lý các đối tượng thanh thiếu niên càn quấy, lạng lách, đánh võng trên địa bàn, góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, đã lập biên bản 1.860 trường hợp vi phạm, ước tính thành tiền 2.925.000.000 đồng, trong đó, chưa đủ tuổi 542 trường hợp; không có giấy phép lái xe và giấy chứng nhận đăng ký xe là 1226 trường hợp; lạng lách 35 trường hợp; nẹt pô 60 trường hợp.
Lãnh đạo Công an TP.Huế cho biết, các đối tượng thanh thiếu niên vi phạm này có độ tuổi từ 14 đến 18, sử dụng phương tiện mô tô chế độ tổng thành khung, máy và bộ phận giảm thanh. Các nhóm này thường tụ tập càn quấy, đua xe, dàn hàng, thường điều khiển xe không có biển số hoặc che biển số, chạy với tốc độ cao khi gặp lực lượng CSGT, gây khó khăn trong công tác xác minh, đấu tranh với các đối tượng.
Ngoài ra, nhóm đối tượng này thường xuyên theo dõi lực lượng chức năng, đổi địa điểm tập trung và các tuyến đường di chuyển, khi lực lượng CSGT tiến hành xuất phát thì các đối tượng thường dừng hoạt động, ảnh hưởng đến công tác xử lý của lực lượng CSGT và các lực lượng có liên quan. Các phương tiện sau khi độ chế điều khiển với âm thanh rất lớn, tốc độ cao, mô tô đặc chủng không thể đuổi kịp; việc truy đuổi các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn, đối tượng này còn thách thức lực lượng CSGT và rất manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ nếu có điều kiện.
Liên quan đến tình trạng “quái xế” càn quấy, gây mất an toàn giao thông trên địa bàn, mới đây, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã chủ trì buổi làm việc với Công an tỉnh, Công an thành phố, các đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, áp dụng các phương pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình, trình độ, nghề nghiệp của từng đối tượng cụ thể...
Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh và chính quyền các địa phương chú trọng công tác nắm tình hình, sử dụng biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong công tác xử lý đối với từng đối tượng, từng nhóm trên từng tuyến đường trọng điểm khác nhau. Công an tỉnh tăng cường, hỗ trợ cho Công an thành phố Huế phương tiện phục vụ tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường; tăng cường phối hợp với Trung tâm giám sát đô thị thông minh (IOC) – sở Thông tin và Truyền thông để kịp thời xác minh, cung cấp thông tin liên quan đến các đối tượng càn quấy, quái xế để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định.
Lê Kông