‘Huế đặt câu hỏi đúng và Viettel có mô hình may đo phù hợp’

Chia sẻ Facebook
19/08/2022 23:23:21

Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng giám đốc  Viettel Solutions cho hay, Viettel đóng vai ‘người thợ may’ để thiết kế, may đo, kiến tạo hình hài xứ Huế trở thành đô thị vừa đẹp, phù hợp trong kỷ nguyên 4.0.


Ban đầu khi bắt tay xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho Thừa Thiên Huế, lúc đó chưa có mô hình tham vấn, vậy Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đã giải bài toán này thế nào? Sau 3 năm triển khai mô hình đô thị thông minh cho Thừa Thiên Huế, theo ông đâu là từ khóa cho thành công này?

Chúng tôi đến với Thừa Thiên Huế như một cơ duyên cả hai tìm đến nhau. Huế không phải là địa phương có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng lại làm đột phá trong xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số. Đối với chúng tôi, Huế là địa phương có quy mô vừa đủ để có thể xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số.

Tại Việt Nam thời điểm 2019, chưa có bất cứ mô hình Trung tâm điều hành thông minh hay nói rộng hơn là đô thị thông minh đã thành công để có thể tham chiếu. Trên thế giới cũng có những mô hình đô thị thông minh, nhưng điều kiện của những nước này rất khác với Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Ban đầu bắt tay xây dựng mô hình này rất khó khăn, nhưng chúng tôi may mắn gặp lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế là những người có tầm nhìn, máu lửa và hiểu về công nghệ cũng như mong muốn đồng hành với Viettel Solutions để chuyển đổi số. Đây là yếu tố then chốt để có thể triển khai mô hình chuyển đổi số thành công chứ không phải vấn đề tiền đầu tư hay công nghệ.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế vẫn luôn trăn trở làm sao để có thể dùng công nghệ số để giải các bài toán của Huế. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thể hiện quyết tâm, quan tâm mạnh mẽ cùng với Viettel Solutions xây dựng bài toán, cùng thực hiện để xây dựng nên một thành phố thông minh.


Vì sao Viettel Solutions dùng phương pháp “may đo” cho Thừa Thiên Huế chứ không phải là mô hình mà công ty tư vấn nước ngoài tư vấn?

Khi xây dựng mô hình đô thị thông minh cho Huế, Viettel Solutions cũng tham khảo định hướng của Bộ TT&TT và có tư vấn của công ty nước ngoài. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, mỗi địa phương và vùng miền đều có những điều kiện và bài toán khác nhau, vì vậy chúng tôi phải “may đo” làm sao cho phù hợp.

Huế hội tụ rất nhiều yếu tố riêng của cố đô trầm mặc và là điểm thu hút khách du lịch. Vì vậy, ngay cả khi Viettel Solutions triển khai hệ thống camera cũng phải nghiên cứu vị trí, đảm bảo nằm trong quy hoạch tổng thể của tỉnh và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Trước khi hợp tác với Viettel Solutions, Thừa Thiên Huế đã từ chối mua mô hình đô thị thông minh của nước ngoài và chọn Viettel là đơn vị đồng hành. Vì thế, Viettel Solutions trở thành “người thợ may” để thiết kế, may đo, kiến tạo hình hài xứ Huế vừa đẹp, vừa phù hợp trong kỷ nguyên 4.0.

Chúng tôi tâm niệm rằng, “câu hỏi đúng quan trọng hơn là câu trả lời, bài toán tường minh quan trong hơn là lời giải”. Viettel Solutions và Thừa Thiên Huế hợp tác trên tinh thần đó và Huế đã đặt ra những bài toán của mình một cách tường minh để chúng tôi có lời giải nhanh chóng và phù hợp cho mô hình IOC.

Thừa Thiên Huế cũng đặt bài toán đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm để phục vụ nên Hue-S chính là lời giải quan trọng nhất phục vụ người dân. Với những bài toán và cách giải đó, mô hình IOC của Thừa Thiên Huế đã đoạt giải thưởng “Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019.

Cho đến thời điểm này, ứng dụng thành phố thông minh Hue-S được bà con Huế gọi vui là “Huế Méc” - méc cả cái tốt và cái xấu để chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Người dân có thể phản ánh hiện trường về các việc như vi phạm giao thông, môi trường… trực tiếp trên Hue-S và sẽ nhanh chóng nhận được phản hồi của các cơ quan chức năng xử lý những phản ánh này.

Người dân cũng có thể sử dụng Hue-S để đóng các loại phí hay sử dụng dịch vụ công trực tuyến dễ dàng. Hue-S giờ đây đã trở thành cơm ăn nước uống hàng ngày của người dân và đây là minh chứng cho sự cộng hưởng giữa con người và công nghệ.


Các mô hình đô thị thông minh trên thế giới có thể cá thể hóa thông tin cho nhà quản lý và người dân. Vậy mô hình này của Viettel Solutions tại Huế có tính năng như vậy không?

Về kiến trúc đô thị thông minh, Viettel Solutions lựa chọn công nghệ dựa trên mã nguồn mở để có thể chủ động triển khai đa dạng, linh hoạt và nhanh chóng cho các địa phương.

IOC do Viettel Solutions triển khai có chức năng trình diễn và hiển thị thông tin theo nhu cầu của từng người dùng. Ví dụ, IOC có thể sẽ hiển thị thông tin riêng cho từng lãnh đạo căn cứ vào nhiệm vụ mà họ được phân công chứ không đẩy tràn lan thông tin cho người quản lý đó. IOC còn hỗ trợ những người quản lý có được dữ liệu hỗ trợ điều hành và hỗ trợ cảnh báo.

Bên cạnh đó, các quy trình phân tích dữ liệu được tự động hóa ngày càng nhiều, ví dụ như camera đã được dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh để phát hiện sai phạm nhằm giảm bớt sử dụng nhân công và đem lại hiệu quả cao hơn.

Với thành công của Hue-S, giải pháp của chúng tôi có thể có cá thể hóa thông tin cho từng người dân, giúp người dân có được những thông tin cần thiết tốt nhất.


Với thành công của Hue-S, Viettel Solutions có thể đưa ra phương pháp, cách làm cho mô hình này để triển khai cho các địa phương khác?

Chúng tôi cho rằng, chuyển đổi số bắt nguồn từ nơi có nhu cầu, trách nhiệm của nhà công nghệ đi giải quyết bài toán này. Đó chính là cách làm chuyển đổi số thành công ở Huế.

Sản phẩm CNTT là sản phẩm không dễ hình dung nên Viettel Solutions chỉ có thể xây dựng cho dùng thử dịch vụ để địa phương hình dung. Quan trọng nhất phải cùng địa phương xây dựng quy trình để đưa vào cuộc sống.

Triển khai xong hệ thống chỉ đóng góp 30% kết quả, nhưng làm sao để người dùng đưa hệ thống này vào cuộc sống mới làm nên thành công. Bên cạnh đó, tuyên truyền để người dân biết, hiểu và làm theo, tự giác làm như cơm ăn, nước uống.

Mỗi địa phương sẽ có những điều kiện khác nhau để triển khai mô hình chuyển đổi số nên không có mô hình nào áp dụng chung cho các địa phương. Thế nhưng, sau khi triển khai thành công với Thừa Thiên Huế, Viettel Solutions có thể đem phương pháp, cách tiếp cận để giải quyết bài toán chuyển đổi số cho các địa phương tiếp theo.

Thừa Thiên Huế cũng đang đặt ra cho chúng tôi những bài toán mới, như quản lý hộ gia đình nghèo tại Huế, phân tích dữ liệu để phục vụ cho công tác lãnh đạo chỉ đạo… dựa trên công nghệ Big Data và AI. Từ đó, Viettel Solutions sẽ xây dựng các trợ lý ảo cho các nhà quản lý công cụ hỗ trợ ra quyết định.

Thừa Thiên Huế đã đặt bài toán chuyển đổi số rất đa dạng, đòi hỏi Viettel Solutions phải đầu tư nguồn lực con người để đáp ứng yêu cầu của Huế và chúng tôi cảm thấy có động lực cho mình sáng tạo để hoàn thiện mô hình IOC.


Cảm ơn ông


Thái Khang (Thực hiện)

Chia sẻ Facebook