Huawei – Bằng chứng sống của sự nghiêm túc vào đổi mới sáng tạo
Vừa qua, Huawei ghi nhận số lượng bằng sáng chế khủng, 110.000 thuộc 45.000 nhóm phát minh, giữ vị trí số 1 toàn cầu cho lượng đơn đăng ký Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế.
Trong công cuộc đổi mới sáng tạo, cái tên "Huawei" không còn xa lạ với vô số các các thiết bị mang tính cách mạng kèm theo những giải pháp doanh nghiệp, phương pháp nghiên cứu có tính cải tiến. Tính riêng tại châu Âu, năm 2021, công ty giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng R&D trong lĩnh vực công nghiệp. Bên cạnh đó, tại diễn đàn "Mở rộng bối cảnh đổi mới sáng tạo 2022", Huawei mang đến số lượng lớn các bằng sáng chế cùng giải pháp mở rộng trong lĩnh vực AI, 5G và xe lái tự động, .... Với số lượng bằng sáng chế khủng này, Huawei xếp thứ 05 về số lượng bằng sáng chế mới được cấp tại Hoa Kỳ. Đây chính là "quả ngọt" cho nhiều năm nghiêm túc của hãng trong công cuộc đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ.
Duy trì nguồn chi tối thiểu 10% doanh thu hàng năm cho R&D
Hằng năm, Huawei vẫn nghiêm túc duy trì mức chi tối thiểu 10% doanh thu vào nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, năm 2021, tuy đứng trước bối cảnh hạn chế từ đại dịch Covid-19, không những gia giảm mà hãng còn đẩy mạnh ngân sách cho bộ phận này, lên đến 22,4 tỷ USD vào năm 2021, chiếm tỉ lệ 22,4% doanh thu năm 2021. Con số đầu tư khủng này phần nào đã nâng tổng đầu tư cho R&D của Huawei lên 126,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, số lượng nhân viên của tập đoàn dành riêng cho lĩnh vực R&D chiếm 107.000 nhân tài, thực chiếm 54,8% tổng lực lượng lao động.
Bởi đối với Huawei, giá trị thực sự của Huawei nằm ở khả năng R&D mà hãng đã tích lũy được nhờ đầu tư lâu dài và liên tục vào nghiên cứu. Đối với bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính kiêm chủ tịch luân phiên của Huawei, tài sản lớn nhất của Huawei là nguồn tài năng, các ý tưởng sáng tạo, phương pháp luận cũng như là các quy trình tốt và để duy trì được điều này, thì việc nghiêm túc đầu tư vào R&D, nhân tài không chỉ là chiến lược ngắn hạn của hãng mà còn là điều lệ của doanh nghiệp.
Không ngừng đổi mới được xem là giá trị cốt lõi ngay từ những ngày đầu thành lập của Huawei. Với hãng, đổi mới là không ngừng suy nghĩ về cái mới, bắt kịp sự thay đổi thời đại, cần cù trong suy nghĩ, không hài lòng với những thành quả đã đạt được. Vậy nên, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện tại, khi nhu cầu về công nghệ mới ngày một gia tăng, Huawei sẽ tiếp tục theo đuổi sự đổi mới sáng tạo với mục tiêu cuối: mang đến một thế giới thông minh, được kết nối trọn vẹn cho người dùng.
"Thông qua sự đổi mới liên tục, Huawei sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ đối tác cởi mở với các khách hàng và đối tác của mình để giúp các ngành công nghiệp kỹ thuật số hóa và làm cho cuộc sống tốt hơn, doanh nghiệp thông minh hơn và thế giới hòa nhập hơn", ông Ken Hu, chủ tịch luân phiên của Huawei từng nhấn mạnh.
"Trong mắt mỗi nhà khoa học, thành quả đạt được không bao giờ là hoàn thiện, cải tiến là điều họ canh cánh trong lòng. Khi nhân viên ở bộ phận nghiên cứu và phát triển cũng có suy nghĩ này, thì chính là lúc bạn đạt cảnh giới của một nhà khoa học", nhà sáng lập Nhậm Chính Phi từng viết trong cuốn "Chống kiêu ngạo, gian nan phấn đấu trong tư tưởng".
Châm ngôn "Tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ là nền tảng của đổi mới sáng tạo"
Với hãng, việc tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ là nền tảng của đổi mới, vậy nên hãng đã có nhiều hành động cụ thể trong việc chủ động quản lý danh mục Sở hữu Trí tuệ của mình. Năm 1995, Huawei nộp đơn đăng ký bằng sáng chế đầu tiên tại Trung Quốc và kể từ đó đã nộp nhiều đơn đăng ký ở các quốc gia và khu vực trên toàn cầu, bao gồm cả Hoa Kỳ và Châu Âu.
Và sau 26 năm nghiêm túc đầu tư mạnh mẽ vào R&D, Huawei ghi nhận 110.000 bằng sáng chế thuộc 45.000 nhóm phát minh, đưa hãng trở thành doanh nghiệp sở hữu bằng sáng chế được cấp nhiều nhất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, Huawei đứng đầu về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế tại khu vực EU và đứng thứ 5 cho số lượng bằng sáng chế mới được cấp tại Mỹ. Suốt 5 năm liên tiếp, Huawei đứng số 1 toàn cầu về lượng đơn đăng ký Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế.
Không những gây ấn tượng về số lượng, sáng tạo của Huawei cũng đạt chất lượng cao. Các giấy phép của Huawei thể hiện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm smartphone, ôtô kết nối, mạng, internet vạn vật và nhà thông minh. Giá trị các bằng sáng chế này đã được công nhận rộng rãi trong ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ di động, kết nối mạng Wi-Fi và mã hóa âm thanh lẫn video.
"Trong 5 năm qua, hơn 2 tỷ smartphone đã sử dụng sáng chế 4G/5G của Huawei. Đối với ôtô, có khoảng 8 triệu phương tiện kết nối sử dụng sáng chế của Huawei đã và đang được chuyển đến tận tay người tiêu dùng mỗi năm", Ông Alan Fan, Trưởng Bộ phận Quyền Sở hữu Trí tuệ của Huawei cho biết.
Huawei cũng đang làm việc với các công ty quản lý bằng sáng chế để cung cấp quy trình cấp giấy phép "một cửa" cho các tiêu chuẩn chính thống. "Hơn 260 công ty - chiếm một tỷ thiết bị - đã sử dụng bằng sáng chế mã hóa video hiệu quả cao (HEVC) của Huawei thông qua mô hình liên kết thương mại hóa các sáng chế", ông Alan Fan nói.
Số lượng bằng sáng chế thể hiện những nỗ lực của nguồn nhân lực, cũng như sự nghêm túc của các nhà lãnh đạo Huawei trong việc đưa ra định hướng điều hành bất chấp bối cảnh khó khăn hay thuận lợi. Đây còn là minh chứng cho khả năng ứng phó trước các thách thức và hạn chế trên thế giới của Huawei ngày một tăng cao. Không những vậy, số lượng bằng sáng chế này còn thể hiện tinh thần hợp tác trong việc nghiên cứu phát triển giữa Huawei và các doanh nghiệp, tổ chức, tốc độ và năng lực trong quá trình số hoá của công ty.
Thực tế, các dự án của Huawei đã được thực hiện trên khắp thế giới. Công ty có các bệnh viên thông minh kết nối 5G tại Thái Lan, Trung Quốc, lắp đặt thiết bị kết nối ở các khu vực vùng sâu vùng xa tại Philippines, Indonesia để liên lạc, phát thông báo cháy rừng. Bên cạnh đó, hãng cũng vửa xây dựng thêm ba trung tâm kinh doanh tại khu vực Hồng Kông, Singapore và Đức
Ý chí của Huawei còn được thể hiện thông qua một số dự án hoàn thành trong điều kiện thời tiết khó khăn, địa hình hiểm trở như trạm gốc viễn thông không dây cao nhất thế giới trên đỉnh Everest, mạng GSM đầu tiên tại Bắc Cực, trạm gốc thông tin tại vùng Nuji (Colombia), nơi không có đường giao thông và các điều kiện vận chuyển,
Trong tương lai, Huawei tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu phát triển, chủ yếu vào 3 lĩnh vực: kiến trúc hệ thống, quản lý phần mềm và nghiên cứu khoa học cơ bản. Do đó, số lượng bằng sáng chế của Huawei chắc chắn chưa dừng lại mà đây mới là nền tảng cho việc thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, lĩnh vực chuyển đổi số, hướng đến một tương lai phát triển xanh hơn.