Huawei 5G và cuộc chơi mới trong hệ thống vận chuyển siêu tốc
5G hiện ghi nhận tốc độ phát triển thần tốc. Việc 5G cùng với những năng lực ứng dụng công nghệ mới này, Huawei đã tham gia vào cuộc chơi logistic và ghi nhận nhiều sự ảnh hưởng tích cực vào quy trình vận hành, tốc độ cung ứng trên toàn thế giới.
Với sức mạnh của mạng lưới 5G đang dần trở nên dầy đặc, phổ biến hơn trên toàn cầu không chỉ ở người dùng cá nhân mà còn đi thẳng vào quá trình vận hành của nền công nghiệp, cụ thể hơn là quy trình logistic. Ông Ken Hu, chủ tịch luân phiên Huawei tại Diễn đàn Băng thông rộng Di động Toàn cầu (MBFF 2022) chia sẻ: "5G đã phát triển thần tốc hơn bất kỳ thế hệ công nghệ di động nào từng có trước đây. Việc ứng dụng 5G B2B cũng đang trở thành động lực mới đóng góp vào tốc độ tăng trưởng doanh thu của nhà cung cấp dịch vụ, tạo ra giá trị đáng kể trong các ngành dầu khí, sản xuất và vận tải".
Ngành logistic trước nay đóng vai trò cốt lõi của quá trình vận hành trên toàn cầu, khi là cầu nối giữa các bên cung ứng, nhà sản xuất, và người tiêu thụ. Khoảng 90% thương mại toàn cầu được thực hiện thông qua vận chuyển, trong đó cảng là mắt xích chính trong quá trình này. Hiệu quả hoạt động cảng đóng vai trò quan trọng, là thước đo của một nền kinh tế phát triển, thúc đẩy tăng tốc thương mại quốc tế và khu vực. Với sự tham gia của 5G trong cuộc chơi này, không chỉ tốc độ về quy trình xử lý mà còn là hiệu quả tài chính được tối ưu, bởi giải quyết được vấn đề chia sẻ dữ liệu cũng như quá trình tự động hoá, đem đến không ít các lợi ích cho các ngành B2B và B2C.
Vai trò và vị thế của 5G trong cuộc chơi logistic
Theo Huawei, 5G sở hữu 3 yếu tố cốt lõi: mật độ dữ liệu, tốc độ truyền và độ trễ thấp với lợi thế nổi bật hơn hẳn so với các thế hệ kết nối tiền nhiệm. Nếu 4G có thể hỗ trợ lý tưởng nhất với 100.000 thiết bị cảm biến trên mỗi km vuông với khả truyền dữ liệu giữa các thiết bị là 10/1.000 giây thì khi 5G xuất hiện, con số đã có sự thay đổi vượt bậc: một triệu thiết bị trên cùng 1 km vuông, tốc độ đạt 1/1.000 giây. Sự chênh lệch này mang đến độ chính xác gần như tuyệt đối và thực tế nhất trong quá trình giám sát, vận hành và ứng phó với tình huống.
5G không chỉ cho phép các công ty logistic xử lý các điểm dữ liệu 100 đến 120m từ những nguồn khác nhau bao gồm cảng, chuyển động của tàu và container mà quan trọng nhất là giúp mở rộng kết nối với hàng nghìn cảm biến trong một khu vực hạn chế trong môi trường tàu thuyền siêu dày đặc.
Ở các cảng truyền thống, hệ thống thường mất 4 ngày để hạ tải một tàu 12.000 TEU. Nhưng với 5G, khả năng trên được nâng lên gần gấp đôi, giảm thời gian tàu chạy qua bến chỉ còn hai ngày. Về mặt chiến lược, sự nâng cấp này giúp nâng cao vị thế trung chuyển của cảng, không phải bằng quy mô tàu có thể tiếp nhận, mà bằng số lượng tàu container có thể quay vòng trong thời gian ngắn nhất có thể, chưa kể đến khả năng tối ưu vận chuyển hàng hóa đến người dùng cuối.
Nhờ 5G, lượng lớn dữ liệu được truyền tải cho phép hiển thị đầy đủ thông tin hàng hóa đang vận chuyển theo thời gian thực, giúp doanh nghiệp quản lý chúng từ xa. Các thông tin này không chỉ về vị trí, mà còn có thể cập nhật nhiệt độ, độ ẩm… Một chuỗi cung ứng được tối ưu hóa dữ liệu cho phép các nhà vận chuyển theo dõi sát sao các quy trình phức tạp. Cũng nhờ việc cung cấp dữ liệu chính xác theo thời gian thực tế, các bên liên quan có thể khắc phục hậu quả ngay khi xảy ra vấn đề và cũng là minh chứng minh bạch khi có yêu cầu bảo hiểm.
5G và sự tác động với hệ thống logistic trên thế giới
Một số cảng biển 5G đang thành công trên toàn cầu có thể kể đến như cảng Ningbo-Zhoushan (Trung Quốc), cảng Quingdao (Trung Quốc) cảng Livorno (Ý), cảng đường sắt Fényeslitke Hungary đầu tiên ở Châu Âu. Trong đó, Trung Quốc hiện là nước đi đầu trong việc ứng dụng 5G vào hoạt động cảng khi bắt đầu triển khai từ năm 2020. Với hơn 200.000 trạm gốc 5G kết nối thông qua liên lạc vệ tinh, Trung Quốc đang sử dụng 5G để thúc đẩy phát triển khái niệm gọi là tập trung hóa cảng thông minh (intelligent port centralisation). Việc "tập trung hóa" yêu cầu các hoạt động cảng được vận hành từ xa tại một vị trí trung tâm với mục tiêu giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Điều này sẽ được hiện thực hóa khi 5G hỗ trợ giảm thiểu tối đa độ trễ trong thông tin, băng thông lớn và độ tin cậy cao.
Cảng biển Qingdao có tần suất nhập - xuất hàng ngoại và nội địa cũng như dịch vụ hành khách đứng thứ 8 trên thế giới và thứ 5 tại Trung Quốc. Tại đây đã triển khai giải pháp Huawei 5G MEC, thiết lập lịch trình cụ thể cho từng hoạt động tại cảng thông qua trung tâm điều khiển từ xa. Qua hệ thống mới này, các container sẽ được dịch chuyển, quét để kiểm tra bằng máy móc tự động, sau đó được đưa lên những chiếc xe tải không người lái vận chuyển đi. Thông qua giải pháp này, chi phí lao động tại cảng ghi nhận giảm thiểu đến 70%, trong khi hiệu suất tăng 30% bởi được duy trì vận hành cả ngày lẫn đêm.
Trong khi đó, cảng Ningbo-Zhoushan, một trong những cảng trung tâm chính ở Trung Quốc, chuyên vận chuyển container và quặng sắt, dầu thô lớn nhất quốc gia. Nhằm giải quyết áp lực lớn về chi phí và hiệu suất, cảng đã đưa giải pháp 5G, AI, đám mây vào hệ thống điều khiển. Sự tham gia của 5G trong cuộc chơi này đã giúp cảng Ningbo tăng hiệu suất xử lý tình huống lên 20%, giảm 50% chi phí tài nguyên, đồng thời giải quyết được vấn đề về môi trường, và tăng cường đảm bảo an toàn cho người lao động.
Không chỉ dừng lại ở 5G, hiện nay thế hệ mạng mới 5.5G cũng đã được thúc đẩy. Lần đầu được đề cập đến vào năm 2020 bởi Huawei, 5.5G trở thành tiền đề cho các chuyên gia, đối tác trong ngành cùng nhau liên tục chia sẻ thông tin và tìm hiểu về sự phát triển này. Tại sự kiện Diễn đàn Băng thông rộng Di động Toàn cầu (MBFF 2022), Huawei một lần nữa đặt ra 4 yếu tố cốt lõi cho thế hệ mạng mới này: độ tải xuống 10 Gbps, tải lên 1 Gbps, hỗ trợ 100 tỷ kết nối và trí thông minh gốc. Theo Huawei, 5.5G là cần thiết để xây dựng một thế giới thông minh và hiện nay, 5.5G đã đạt được những tiến bộ quan trọng gấp ba lần. Đối với hoạt động logistic nói chung và cảng biển nói riêng, sự phát triển của 5.5G trong tương lai sẽ giúp thúc đẩy tương tác từ xa thực tiễn hơn, khi độ trễ được giảm thiểu nhỏ nhất.
Với tốc độ phát triển của 5G và 5.5G, Chủ tịch luân phiên Huawei, ông Ken Hu đã kêu gọi sự hợp tác, đồng hành của các nhà khai thác, các doanh nghiệp trong ngành để nắm bắt cơ hội tối ưu hệ thống: "Nếu chúng ta làm việc cùng nhau, chúng ta có thể đi tắt đón đầu trong triển khai 5G, các ứng dụng và toàn ngành công nghiệp".