“Huấn địch thập điều” của triều Nguyễn
“Huấn địch thập điều” bao gồm 10 chương khuyến thiện cho mọi lĩnh vực ngành nghề cũng như tầng lớp trong xã hội. Đây là bản huấn nổi tiếng thời nhà Nguyễn, ra đời trong bối cảnh đạo đức xuống dốc, giúp cải thiện lại phong hóa đạo đức của quốc gia.
Trước khi vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn, ở miền bắc và miền trung xã hội khá phóng khoáng và tự do, đã đi vượt khỏi giới hạn phép tắc. Sách “Sơn cư tạp chí” của Đan Sơn mô tả rằng: “Tục nước ta đối với việc phòng thân của đàn bà rất là sơ lược, đã hở người lộ mặt, lại còn cùng con trai chung đường chung giếng, giẫm cỏ xem chèo, lại còn cùng con trai kề vai chạm lưng…”
Sách “Một chuyến du hành đến xứ Đàng Trong vào năm 1792 và 1793” của John Barrow cũng mô tả những câu chuyện về làng chài ở Đà Nẵng, dân chúng không còn giữ được chuẩn mục phép tắc như trước nữa. Những người thủy thủ phương Tây dễ dàng tìm được phụ nữ để thỏa mãn dục vọng, mà những phụ nữ này không lấy tiền, thậm chí còn được chồng họ đồng ý.
Nhà Nguyễn từ thời vua Gia Long đã khuyến khích làm việc thiện, để dân chúng quay về các chuẩn mực đạo đức. Tuy nhiên phải đến thời vua Minh Mạng thì việc này mới được làm triệt để hơn, Vua xuống các chỉ dụ, ban bố các điều luật bổ sung hoàn thiện cụ thể.
Vua Minh Mạng xem Nho giáo là quốc giáo, sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” chép rằng: năm Minh Mạng thứ ba (1822) Vua xuống dụ:
“Tôi trung, con hiếu, gái tiết, trai nghĩa, người dân trong nước phải nên khuyến khích. Từ xưa, nêu cao người hiếu, biểu dương người liêm, là để rèn luyện tục dân, sáng tỏ giáo hóa. Trẫm kính nối cơ đồ vinh quang, mở rộng đường lối chính trị. Phàm có trung thần phong cho thờ cúng, liệt nữ, thưởng biển nêu khen, có đủ cả điển lệ. Nhưng hiếu tử (người con có hiếu), nghĩa phu vẫn chưa được biểu dương, như thế là đường lối dạy dân thành tục tốt, còn lo chưa được đầy đủ.
Chuẩn từ nay các thành, doanh, trấn đều nên để tâm tìm tòi. Phàm dân gian có hiếu tử đối với cha mẹ, thực hành rõ rệt, như loại sớm tối hầu thăm, trước biết ý mà thuận theo, việc sống nuôi, chết chôn đều phải hết đạo, trong làng xóm đều khen là hiếu tử, nghĩa phu, thấy tài lợi, lòng không chuyển động, như loại được vàng trả chủ, không hám lợi một cách cẩu thả, khi từ hay nhận, lấy hay cho, đều hợp với nghĩa, mà già trẻ đều tin là người liêm. Cho phép hương lý kê rõ họ, tên, tuổi và quê quán, cam kết nhận thực. Quan trấn hạt ấy trình bày thực trạng cùng lời xét khai làm tờ tâu, do bộ Lễ tâu lên đợi chuẩn nêu thưởng để xứng với ý tốt của trẫm dạy bảo uốn nắn phong tục”.
Vua cũng chú trọng việc giáo hóa dân chúng:
“Nước nhà vững bền có quan hệ với nhân tâm, phong tục tốt chính vì giáo hóa. Gần đây, bọn vô lại, hoặc dẫn dắt nhau vào tà giáo, hoặc dụ nhau vào rượu chè cờ bạc. Nhiều tiểu dân ngu xuẩn bị cám dỗ, vì thế trộm cướp giặc giã không thể dứt hẳn được. Mỗi lần nghĩ đến việc dân ta chưa giàu, chưa thể nói đến giáo hóa. Song dân đã trải qua nhiều loạn lạc, lòng người có đôi chút hối ngộ. Nhân việc ấy mà dạy dỗ, dễ dàng đắc lực, Bộ ngươi nên phỏng theo đại ý bản “Thánh dụ quảng huấn” nước Thanh, đặt những điều huấn cho rõ ràng, Chỉ cần lời văn và ý tứ trang nhã, không cần phải trau chuốt. Khiến bọn ngu phu, ngu phụ, không có người nào chẳng hiểu biết, làm cho phong tục, từ chỗ khinh bạc trở nên thuần hậu. Đó là kế sách lâu dài của nước nhà vậy.”
(Theo “Quốc sử quan triều Nguyễn”)
Năm 1834 Vua lại ban bố “Huấn địch thập điều” , trong lời mở đầu cho cuốn sách này nhà Vua có viết rằng:
“Trẫm nối tiếp hồng đồ, noi theo phép lớn, vẫn suy tư về ý nghĩa của câu “làm cho dân giàu rồi sau mới giáo hóa” , nên đã từ lâu vỗ về kẻ suy bại, an ủi người bệnh tật, ra ơn tha thuế, lúc nào cũng canh cánh một niềm yêu mến giúp đỡ người dân.
“Tuy chưa có thể làm cho tất cả dân ta trở thành giàu có, con cháu đông đúc, nhưng mà nuôi dưỡng an vui thong thả, trải đến nay đã mười lăm năm, giáo huấn để cho tập tục chính đáng, thật chỉ có đời này mà thôi.”
“Nghĩ sâu về đạo thường của dân chúng, về quy tắc của sự vật đủ để biết về điều ấy, nhà tranh nơi héo lánh tất cũng có người trung tín, kẻ thành phác thuần hậu không thiếu, tuy vậy, cũng có khi khí bẩm bị che, vật dục bị mờ, cho nên không thể không giáo dục”
(Bản dịch của Lê Hữu Mục).
1 – Đôn nhân luân (敦人倫): đề cao đạo đức nhân luân. 2 – Vụ bản nghiệp (務本業): chuyên cần nghề nghiệp. 3 – Thượng tiết kiệm (尚節儉): chuộng tiết kiệm 4 – Hậu phong tục (厚風俗): phong tục phải đầy đặn, không điêu bạc. 5 – Huấn tử đệ (訓子弟): phải dạy bảo con em. 6 – Sùng chính học (崇正學): coi trọng chính học. 7 – Giới dâm thắc (戒淫慝): không được gian dâm dối trá. 8-9 – Thận pháp thủ (慎法守): thận trọng pháp luật. 10 – Quảng thiện hạnh (廣善行): rộng sự làm lành.
Ví như trong thiên “Quảng thiện hạnh” có viết:
Nhà nào tích thiện tất có thừa phúc, vì thiện là phúc tập trung lại, cái gọi là thiện không có gì khác, chẳng qua là hiếu đễ, trung tín, nhân nghĩa, lễ trí mà thôi. Nay Trẫm bảo với các ngươi, không nói đến việc phải biết các điều kể trên, chỉ nói đến cái đạo di luân thường dùng hằng ngày thì đại lược không ngoài những điều ấy.
Sĩ thứ quân nhân, các ngươi nên kính cẩn nghe theo lời trẫm, gắng sức tiến đến cõi thiện, hôm nay làm một việc thiện, ngày mai làm một việc thiện, lâu ngày thì thực hiện được ở mình, tính thiện mới có thể quảng bá âm đức, tự nhiên tai ương không xảy ra, phúc lộc tìm đến hàng ngày; nếu báo ứng hơi chậm, thân mình chưa được vinh hiển, thì tử tôn tất cũng được nương nhờ ơn phúc thừa dư sẵn có mà phát triển thịnh đại đến vô cùng.
Kinh thư chép: “Làm lành, trăm điều tốt được ban xuống”. Tất cả các ngươi nên thể theo ý Trẫm, đôn đốc thi hành đường thiện không trễ nải, cho đến khi tính mệnh của mỗi người được chính đính, bảo vệ được nền thái hòa, cùng nhau đạt tới đường nhân cõi thọ, vẻ vang lắm thay!
“Huấn địch thập điều” dần dần ảnh hưởng sâu vào đời sống sinh hoạt của dân chúng, đạo đức được nâng cao giữ được chuẩn mực nhất định. Láng xóm dùng tình nghĩa đối xử với nhau, trên dưới nhường nhịn, anh em hòa thuận, tình làng nghĩa xóm. Người dân sống cũng không cậy giàu mà khinh người nghèo khó…
Đến thời vua Tự Đức đã cho diễn giải “Huấn địch thập điều” thành thơ Nôm cho dễ nhớ gọi là “Thánh huấn thập điều diễn nghĩa ca” . “Thánh huấn thập điều diễn nghĩa ca” dễ nhớ, hình thành nếp sống và nhân cách người Việt, giúp tình làng nghĩa xóm gắn kết với nhau, trở thành chuẩn mực căn bản của con người thời đó.
Ngày nay, chuẩn mực đạo đức con người còn kém xa thời điểm trước thời nhà Nguyễn, nhất là khi hấp thụ học thuyết vô Thần và đấu tranh giai cấp, trái ngược với văn hóa truyền thống của dân tộc, thì liệu có chuẩn tắc nào như “Huấn địch thập điều” để đưa con người trở về đúng với chuẩn mực đạo đức căn bản truyền thống không?
Trần Hưng
Mời xem video “Học con tìm lại chính mình” :