https://toquoc.vn/tu-vung-dat-bi-bo-quen-phia-ben-kia-song-hong-khu-dong-dang-tro-thanh-cuc-tang-truong-lon-nhat-thu-do-20220923094601729.htm
Mặc dù rất gần với khu lõi trung tâm Hà Nội, chỉ cách chưa đầy 3 km nhưng trước đây khu Đông kém phát triển và ít được chú ý. Nguyên nhân bởi đa số người Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý cách trở, xa xôi khi họ muốn sang Long Biên, Gia Lâm là phải đi qua cầu, qua sông...
Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, sự bứt phá mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đã biến vùng đất bị bỏ quên này trở thành cực tăng trưởng mới của vùng thủ đô. Đặc biệt, loạt dự án hạ tầng tỷ đô liên tục được hoàn thiện đã thúc đẩy cho toàn bộ khu Đông mở rộng phát triển, tạo sức bật cho toàn bộ thị trường bất động sản nơi đây.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây Hà Nội liên tục quy hoạch các cây cầu mới bắc qua sông Hồng đã dần xóa nhòa khoảng cách địa lý giữa 2 bờ sông. Cụ thể, ngoài 4 cây cầu đã hiện hữu: Cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, theo quy hoạch đến năm 2030 Hà Nội sẽ có tổng cộng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong tương lai gần. Trong đó, khu Đông sẽ có 4 cây cầu nghìn tỷ: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở.
Trong số 4 cây cầu mới nối liền khu Đông, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được triển khai sớm nhất. Cây cầu này được khởi công từ năm 2020 hiện đã đạt 70% tiến độ, dự kiến có thể khánh thành vào quý 3 năm sau. Đây là cây cầu nằm song song cầu Vĩnh Tuy 1, trị giá khoảng 2.538 tỷ đồng, nối điểm đầu từ đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) với điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên).
Sau cầu Vĩnh Tuy 2, mới đây thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cầu Trần Hưng Đạo với tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Theo đó, cây cầu này có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm); điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thụy, Long Biên).
Ngoài ra, Cầu Ngọc Hồi sẽ nối đường vành đai 3.5 (Hoàng Mai) với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Gia Lâm). Cây cầu này có tổng mức đầu tư 4.881 tỷ, quy mô 6 làn xe chạy, chiều dài 13,8km. Còn Cầu Mễ Sở sẽ nối đường vành đai 4 (Thường Tín) với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Gia Lâm) với mức đầu tư dự kiến 4.881 tỷ, chiều dài 13,8km.
Khi đi vào hoạt động, 4 cây cầu mới này cùng với các cây cầu hiện hữu sẽ giúp thu hẹp khoảng cách địa lý cũng như sự phát triển giữa 2 bên bờ sông Hồng, kết nối thông suốt khu Đông với toàn bộ các quận nội đô, tạo động lực phát triển cho toàn bộ khu Đông.
Khu Đông đang sở hữu mạng lưới đường bộ quy mô và đồng bộ bậc nhất phía Bắc khi kết nối trực tiếp hàng loạt tuyến cao tốc huyết mạch liên kết các tỉnh. Cụ thể, v ề phía Bắc khu Đông kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai; về phía Nam, kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, QL1A; phía Đông kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Thông qua mạng lưới các tuyến cao tốc này, việc tiếp cận từ khu Đông đi các cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), cảng biển Hải Phòng lớn nhất phía Bắc vô cùng nhanh chóng.
Cùng với các tuyến cao tốc, hiện nay loạt tuyến đường bộ trọng điểm, được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng ở phía Đông thủ đô cũng đã hòa vào mạng lưới giao thông quốc gia, như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 5A, nút giao Cổ Linh...
Các tuyến "đường xương cá" cũng không ngừng được nâng cấp, làm mới như đường Lý Thánh Tông, tuyến Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị hay đường đê hữu Đuống đoạn Dốc Lời - Đặng Xá đến xã Lệ Chi, đường đô thị song hành với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển theo nhiều hướng khác nhau.
Ngoài các tuyến cao tốc quan trọng, động lực phát triển cho khu Đông còn là các tuyến đường vành đai. Trong đó, tuyến Vành đai 4 được triển khai đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư lớn nhất và tiến độ thần tốc nhất từ trước đến nay, được đánh giá là một "cuộc cách mạng" về hạ tầng đô thị tại Vùng Thủ đô. Với tổng mức đầu tư tới 86 nghìn tỷ đồng, tổng chiều dài hơn 112km, tuyến đường vành đai sẽ nối liền Hà Nội với Hưng Yên và Bắc Ninh và đấu nối vào cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Cùng với vành đai 4, dự án Vành đai 3,5 cũng tăng tốc trở lại khi TP Hà Nội dự kiến rót thêm gần 2.500 tỷ đồng xây dựng nút giao với Đại lộ Thăng Long. Đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài hơn 9,2 km cũng đang được đầu tư xây dựng đoạn từ QL5 đến ĐT379. Dự kiến, đến hết năm 2025, gần 90% tuyến đường (tương đương 40,1 km/45,64 km) sẽ được đầu tư theo quy hoạch và sẽ khép kín khi cầu Ngọc Hồi hoàn thành, tạo sự kết nối 2 bờ Bắc - Nam sông Hồng.
Theo các chuyên gia, bộ đôi vành đai 4 và 3,5 không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống đường bộ của vùng Thủ đô, kết nối xuyên suốt đến cả 10 địa phương phía Bắc, mà còn là bàn đạp tiếp cận các khu vực kinh tế, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh. Đồng thời, với vai trò "vành đai kết nối mọi vành đai", 2 tuyến đường sẽ mở ra những không gian phát triển mới đầy triển vọng trong tương lai, thúc đẩy hình thành các siêu đô thị mô hình đa cực, tạo sức hút dịch chuyển cư dân, giúp giảm tải cho nội đô Hà Nội.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong lịch sử, Hà Nội chủ yếu phát triển ở phía Nam sông Hồng. Từ sau quy hoạch năm 1998, khu vực bên kia sông mới thực sự "thức giấc" mà dấu mốc quan trọng là việc hình thành quận Long Biên vào những năm 2000. Trong hơn 20 năm qua, nội đô Hà Nội vẫn đang tiếp tục được mở rộng về phía Đông. Trong đó, "đi trước, dẫn đường" là hạ tầng giao thông, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp các hoạt động kinh tế - xã hội có cơ hội bứt phá, tạo mặt bằng giá trị mới cho thị trường bất động sản.
Thực tế cho thấy, hiện nay các dự án ở phía Đông cũng định hình lại "trọng tâm" mới ở thị trường bất động sản. Theo số liệu thống kê của Savills Việt Nam, thị phần bất động sản mở bán mới ở khu vực này luôn giữ thị phần ở khoảng hơn 30%; thậm chí có những thời điểm vượt hơn 60%. Không chỉ thiết lập những mặt bằng giá trị mới từ việc nâng cao chuẩn sống cho cư dân, các đại đô thị của tại đây cũng là thỏi nam châm "hút" cư dân dịch chuyển ra khỏi nội đô cũ, giảm tải áp lực cho trung tâm thành phố.
Điển hình như khu đô thị Ecopark sau 10 năm đã có gần 20 nghìn cư dân về sinh sống. Hay như Vinhomes Ocean Park, chỉ sau 4 năm, cộng đồng dân cư đã nhanh chóng phát triển lên tới gần 50 nghìn người. Tiếp theo đó, hai đại đô thị là The Empire và The Crown quy mô lên đến gần 1.000ha cũng sẵn sàng đón thêm hàng trăm nghìn người giãn dân từ khu vực nội đô sang đây sinh sống.
Có thể nói, hạ tầng khu Đông liên tục phát triển và thăng hạng đã tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản khu vực này. Hạ tầng được đầu tư không chỉ kéo theo làn sóng dịch chuyển dân cư mà còn thúc đẩy sự tăng giá của bất động sản khu vực này. Chính vì thế, cực tăng trưởng bất của Hà Nội dường như đang dồn về khu Đông, thúc đẩy nơi đây trở thành khu vực bất động sản sôi động nhất thủ đô hiện nay.
Bài: Lan Nhi Thiết kế: Hải An