https://soha.vn/loi-ten-lua-25-tan-cua-trung-quoc-roi-chuyen-gia-dung-so-995-kha-nang-se-khong-xay-ra-2022073009164604.htm

Chia sẻ Facebook
31/07/2022 10:30:01

Đây không phải là lần đầu tiên lõi tên lửa của Trung Quốc rơi mất kiểm soát.


Ngày 24/7, tên lửa Long March 5B của Trung Quốc đã được phóng thành công vào vũ trụ từ bãi phóng không gian Văn Xương ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tên lửa này thực hiện sứ mệnh mang theo phòng thí nghiệm Vấn Thiên đến quỹ đạo thấp của Trái đất.

Chỉ sau 13 tiếng đồng hồ, phòng thí nghiệm này đã kết nối với Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Tuy nhiên phần lõi của tên lửa này lại đã bị mất kiểm soát và được dự kiến là sẽ rơi trở lại Trái Đất vào cuối tuần này.

Ngày 24/7, tên lửa Long March 5B của Trung Quốc đã được phóng thành công vào vũ trụ. Ảnh: Watchers

Điều này khiến nhiều người lo ngại vì trọng lượng của phần thân lõi tên lửa lên đến 25 tấn, việc nó rơi qua tầng khí quyển và bị đốt cháy hoàn toàn là điều rất khó xảy ra.

Tuy nhiên trong lịch sử khám phá không gian vũ trụ thì việc mảnh vỡ tên lửa rơi trở lại Trái Đất và gây nguy hiểm cho con người là điều hầu như chưa từng xảy ra. Theo Trung tâm Nghiên cứu Mảnh vỡ và Xâm nhập khí quyển thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Mỹ: Khả năng các mảnh vỡ đánh trúng con người là rất nhỏ, điều này dựa trên diện tích nước biển bao phủ bề mặt Trái đất so với đất liền (có người sinh sống).


Theo nhà tư vấn Ted Muelhaupt của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Mỹ thì ' có 99,5% khả năng là điều đó sẽ không xảy ra'.

Về phần mình, nếu mảnh vỡ tên lửa rơi xuống đầu tôi, tôi sẽ chạy ra ngoài với một chiếc camera để quay phim nó bởi vì tôi nghĩ đây là một sự kiện thú vị hơn là nguy hiểm thực sự".

Biểu đồ dự đoán vị trí rơi của thân lõi tên lửa Long March 5B. Ảnh: Aerospace

Thực tế, các mảnh vỡ của tên lửa Long March 5B sẽ di chuyển với tốc độ hàng trăm km/h trước khi va chạm với mặt đất hay mặt nước, sự va chạm sẽ tạo ra nguồn năng lượng phá hủy rất lớn nhưng không đủ để tạo nên cơn đại hồng thủy.


Nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell làm việc tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) cho biết: " Ngay cả trường hợp xấu nhất xảy ra thì sự nghiêm trọng của nó còn thấp hơn cả khi bị một tên lửa hành trình tấn công".

Đây không phải là lần đầu tiên phần thân lõi của tên lửa Long March mất kiểm soát khi rơi trở lại Trái Đất. Sau 3 lần phóng lên vũ trụ thì có tới 2 lần tên lửa này mất kiểm soát khi phần lõi quay trở lại Trái Đất.

Tháng 5 năm 2020, các mảnh vỡ từ phần thân lõi bị mất kiểm soát và đã rơi xuống một khu vực có người sinh sống dọc bờ biển Ngà, phía tây của Tây Phi. Đến năm 2021 thì các mảnh vỡ của Long March 5B lại rơi xuống Ấn Độ Dương gần Maldives.


Rất may là cả hai trường hợp đều không có ai bị thương nhưng điều đó cũng khiến nhiều nhà khoa học lo ngại về khả năng xấu nhất có thể xảy ra. "Bạn sẽ không trúng giải xổ số tối nay nhưng ai đó lại có thể, đó chính là lý do xác suất thống kê xuất hiện", Muelhaupt nói.


Bài viết tham khảo nguồn: Space, Watchers

Đầu tư 1.000 tỷ USD, hai toà nhà chọc trời nằm ngang của Arab Saudi trông như thế nào?

Chia sẻ Facebook