https://soha.vn/bo-me-gs-vu-ha-van-ths-google-vu-thanh-diem-cong-hien-cho-to-quoc-la-thieng-lieng-lam-20220426222047131.htm
Từng câu chuyện của nhà thơ Vũ Quần Phương và dược sĩ Đào Thị Hường, đều toát lên tình yêu thương và quan tâm tới con một cách dung dị mà sâu sắc.
Trường Hùng:
Khi nhắc đến gia đình ông bà, mọi người thường nghĩ đến ngay GS Vũ Hà Văn và có thể liệt kê nhiều giải thưởng, thành tựu mà giáo sư đạt được. Tuy nhiên về CG Vũ Thanh Điềm thì chỉ có một vài dòng ngắn gọn "chuyên gia Google, Thủ khoa đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội". Phải chăng anh Điềm rất "kín tiếng" và ông bà cũng ít khi kể chuyện về người con này của mình?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Điềm là trưởng một bộ phận của Google, làm việc ở Thung Lũng Silicon Mỹ. Nhưng mọi người cũng ít biết về Điềm, phần vì Điềm kiệm lời, hai là do đặc thù công việc ở một tập đoàn công nghệ. Còn Văn ở vị thế khác, nên mọi người dễ nói hơn.
Dược sĩ Đào Thị Hường: Mọi người hỏi cái gì chúng tôi nói cái đó chứ. Thật ra, báo chí viết về gia đình tôi như thế e cũng là nhiều rồi. Có lúc tôi cũng ngại lắm, tôi nói thật đấy!
Trường Hùng:
So với người anh cả thông minh đặc biệt – Vũ Hà Văn, thì người con thứ hai, chuyên gia Google Vũ Thanh Điềm có nét gì riêng đặc biệt mà ông bà phát hiện được ngay khi còn nhỏ?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Điềm có cái khác, chơi nhiều và nghịch nhiều. Kết quả học tập của Điềm nhiều lần làm tôi ngạc nhiên. Cuối cùng con trở thành Thủ khoa đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng là một sự ngạc nhiên.
Dược sĩ Đào Thị Hường: Điềm học như đi chơi, thậm chí cha mẹ cho đi học thêm nhưng không chịu đi học. Và chỉ nói lại với mẹ "những kiến thức này con đã học trên lớp rồi!".
So với Văn, Điềm cá tính hơn ở chỗ là thích mày mò máy móc, kỹ thuật. Có lần Văn du học về thăm nhà, nhà mất điện không biết làm sao cả, trong khi Điềm kém anh 7 tuổi ra mày mò và chữa được.
Trước lúc sang Úc du học Điềm không biết nấu cơm, nhưng được mẹ dạy một vài buổi. Sang đấy lại trở thành người nấu ngon nhất và thường bị các bạn gái đùn đẩy cho việc này.
Trường Hùng:
Ông bà đã phát hiện năng khiếu của anh Vũ Thanh Điềm và tạo môi trường phát triển cho con như thế nào? Có điểm gì khác so với người con đầu hay không?
Dược sĩ Đào Thị Hường: Năm học lớp 11, Điềm cùng một vài người bạn nữa nộp hồ sơ thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm ấy môn Lý chưa học hết, tổng điểm 2 môn Toán và Hóa được 17 điểm, đủ điểm trúng tuyển.
Nhưng thời đấy, không ai cho học vượt cấp như thế. Sang năm sau, tôi thấy Điềm học lơ thơ lướt thướt. Bao giờ cũng ở một mình trên tầng, đeo tai nghe, bố mẹ lên tận nơi cũng không biết.
Tôi nhắc nhở con việc học, Điềm chỉ nói gọn, "Mẹ yên tâm!". Mình cũng lo nhưng không mắng con mà chỉ dặn, "Thôi nhé, con cố gắng đạt học bổng trong nước để mẹ không phải nuôi".
Lúc đấy cũng không đặt vấn đề du học nước ngoài. Thứ nhất là du học tự túc thì tôi không có tiền. Thứ hai, nếu đi bằng tiêu chuẩn, tôi nghĩ rằng học thế này rất khó, Điềm phải được điểm cao hơn Văn, tức là Thủ khoa thì mới hi vọng.
Cuối cùng không biết thế nào năm đó, Điềm thi 4 trường, trong đó có 1 trường đạt Thủ khoa – Đại học Bách khoa Hà Nội (ba môn: 29,5 và một điểm thưởng của thi tú tài là 30,5 điểm), Á khoa: Đại học Mỏ. Hai trường còn lại – Đại học Tổng hợp và Đại học Giao thông đều được 28 điểm.
Văn hồi đó đang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ nhưng cũng thu xếp về đưa em đi thi. Ngày nào cũng vậy, Điềm cứ thi là Văn xuống mở cửa tiễn em, chúc em thi gặp may mắn. Hôm thì chồng tôi hôm thì Văn đèo Điềm đi thi.
Lúc mới có kết quả của trường đại học đầu tiên (Bách khoa), Văn chưa khen em ngay. Đến lúc có kết quả hết rồi cũng chỉ gật đầu khen em "được".
Văn và Điềm có cá tính hoàn toàn trái ngược nhau. Điềm thì nóng tính, còn Văn thì điềm đạm, chịu nhịn em lắm. Hồi Điềm còn bé, hơi một tí là ré lên khóc. Lúc đấy vợ chồng tôi cũng bận, thấy con tự dưng khóc thì vào mắng Văn. Nhưng có phải tội thằng anh đâu, thế mà Văn chẳng nói lại gì.
Trường Hùng:
Công việc cụ thể của TS Vũ Thanh Điềm ở Google là gì? Gần gũi với ông bà ra sao?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Điềm giờ là trưởng một bộ phận của Google, định cư tại Thung lũng Silicon (Mỹ) và có 3 người con.
Điềm biết chăm sóc bố mẹ nhiều việc cụ thể lắm. Năm 2016, tôi bị bệnh nặng, Điềm về kịp thời, cùng mẹ lo cho tôi. Tôi qua được đận ấy là nhờ sự theo dõi sát sao và xử lý quyết liệt của vợ và con. Chứ một mình vợ tôi chắc sẽ bối rối và bi kịch lắm.
Trường Hùng:
Trong một gia đình có người con đầu học rất giỏi ngay từ khi còn nhỏ (Vũ Hà Văn), có bao giờ ông bà đem ra so sánh với người con út hay không?
Dược sĩ Đào Thị Hường: Điềm có cái tính rất ngang, tức là mình yêu cầu gì, con đều làm ngược lại. Tôi vẫn nhớ hồi con 5 tuổi, tôi rủ học bài nhưng không chịu. Để lẳng lặng một lúc, tôi mới nói, "Thôi, mẹ rủ mấy bạn hàng xóm sang đây, mẹ chơi với các bạn ấy vậy!". Tôi và 2 đứa trẻ hàng xóm chơi trò cô giáo học sinh, thấy vậy Điềm đang ngồi ngoài dần dần lê vào.
Chơi được một lúc, Điềm ra phá đám các bạn. Tôi nói gì, con đều nói ngược lại. Tôi mới bảo, "Con không thích học thì thôi, sau này con đi bơm xe, mẹ sắm cho cái bơm xe tốt". Điềm nói lại, "Không bơm xe"... "Không bơm xe làm gì có tiền nào?", tôi hỏi.... Hai mẹ con thỉnh thoảng hay như thế (cười).
Cũng chẳng cần so sánh đâu, Điềm thấy anh Văn chăm học như thế, dần dần con cũng theo. Đến lớp 3 (bắt đầu có lớp chuyên), Điềm cũng vào được trường chuyên.
Tôi nghĩ, tính cách mỗi người con mỗi khác. Việc dạy dỗ cũng phải khác nhau, không thể dập khuôn theo đứa trước được. Chỉ có nhắc nhở nhẹ nhàng, "Con học như thế nào chứ!". Chứ còn, "Anh Văn thế này, con phải thế nọ thế kia", không, tôi không bao giờ nói thế.
Biết tính con thế, tôi cũng không o ép làm gì cả, mà có o ép cũng chẳng được. Tôi chỉ nói một câu rằng, "Con cố gắng cho mẹ cái học bổng trong nước là được rồi!".
Trường Hùng:
Thuở thiếu thời, anh Văn và anh Điềm có bao giờ để cha mẹ nhắc nhở về việc - chủ động trong học tập hay không?
Dược sĩ Đào Thị Hường: Hồi lớp 1, 2, 3 cũng phải nhắc nhở chứ, nhưng sau thành cái nếp thì thôi. Với lại, bao giờ tôi cũng học cùng các con, chứ ít khi để các con học một mình lắm! Lên cấp 2, 3 thì chồng tôi phụ trách, các con cần gì sẽ hỏi bố.
Đêm trước ngày Văn thi đại học môn Hóa, hai mẹ con có ngồi truy bài với nhau. Trong đề thi có một câu Văn bị vấp, tôi nhắc nhở phải xem lại, y như rằng hôm sau gặp đúng câu đó. Năm ấy, anh Văn đạt điểm tuyệt đối môn Hóa và trở thành Á khoa đầu vào của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trường Hùng:
Một ngày trôi qua của anh Văn, anh Điềm lúc thơ bé diễn ra như thế nào?
Dược sĩ Đào Thị Hường: Buổi sáng đi học, chiều về được chơi nửa tiếng với bạn bè. Đã thành nếp nên đến giờ tự động lên, cha mẹ không phải gọi. Cũng lạ là còn bé mà Văn, Điềm ý thức rất cao việc đó. Có thể lúc đấy đói quá (cười).
Trường Hùng:
Hai người con của ông bà thỉnh thoảng có những hành vi bồng bột, thiếu suy nghĩ khiến bố mẹ lo lắng hay không? Nếu có, ông bà đã tiếp cận, bảo ban và khuyên nhủ các con như thế nào?
Dược sĩ Đào Thị Hường: Cũng có một lần đấy, đó là hồi Văn 17 tuổi đi dã ngoại cùng với lớp ở Chùa Hương. Buổi tối, Văn cùng một vài bạn nam tếu táo với nhau chuyện "em nọ, em kia!".
Hồi đấy nhà trường nghiêm về vấn đề này lắm, tình cờ thế nào thầy giáo nghe được và trao đổi ngay với các phụ huynh: "nguy to rồi".
Sau đó ban phụ huynh có ngồi họp với thầy, Văn và các bạn may mắn không bị đánh hạnh kiểm vì sắp tốt nghiệp đến nơi rồi.
Ngoài chuyện đó thì cũng không có điều gì xảy ra cả. Bởi chồng tôi trong ban phụ huynh, nên hoạt động nào do lớp tổ chức cũng đều tham gia. Hôm Văn được kết nạp Đoàn, chồng tôi và Điềm cũng đến dự.
Việc này phụ huynh thời đó ít để ý, nhưng tôi thấy việc gần con như vậy rất là quan trọng.
Trường Hùng:
Mấy chục năm trước, việc một gia đình có hai người con là thủ khoa, á khoa đầu vào của Đại học Bách khoa Hà Nội, là khá hiếm. Cảm xúc thời điểm đó của ông bà như thế nào?
Dược sĩ Đào Thị Hường: Tôi thấy bình thường thôi, không khoe với ai cả. Thậm chí cả cơ quan tôi mọi người đều biết, có người hỏi tôi, tôi cũng chỉ nói chưa có kết quả chính xác.
Đến khi bạn học của Điềm báo tin, tôi cũng chỉ nói lại, "Cháu đừng trêu bác, bác không tin chuyện đó là sự thật" (cười). Xong rồi lại có mấy phụ huynh gọi điện đến báo, làm tôi cũng thấy tin tin.
Thời đó phụ huynh lo lắng chuyện thi cử của con, nhiều người tra cứu điểm thi đại học, còn chúng tôi không làm việc này. Bởi nền tảng kiến thức phổ thông của Văn, Điềm rất chắc, nên không lo con không đỗ đại học.
Nhưng quả thực, Điềm đỗ Thủ khoa làm tôi rất bất ngờ. Cả hai vợ chồng tôi chưa từng nghĩ đến kết quả này.
Trường Hùng:
Có một điều trùng hợp là cả hai người con của ông bà đều lựa chọn ngành Điện tử - Tin học để thi vào đại học. Đây phải chăng cũng là một sự trùng hợp hay có định hướng từ trước?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Lớp trẻ hồi đó cũng thích các ngành kỹ thuật cao. Còn để làm giàu thì học ngành kinh tế, ngân hàng... sẽ kiếm tiền nhanh hơn.
Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện làm kinh tế cả, bao giờ cũng thích phát triển về khoa học kỹ thuật hơn.
Nghề văn chương của tôi thì khó phát triển, còn nghề Dược sĩ của vợ tôi thì các con không thích những thứ tỉ mẩn, chai lọ. Cả hai con đều có khả năng về khái quát và trừu tượng tốt.
Thi vào Khoa Điện tử - Tin học của Đại học Bách khoa Hà Nội là nguyện vọng của Văn. Vợ chồng tôi chỉ trao đổi dựa trên tinh thần tham khảo.
Khi Điềm thi vào Khoa này, vợ chồng tôi và Văn cũng đều ủng hộ. Có lẽ một phần cũng do môi trường sống, ngay từ nhỏ Văn, Điềm đã ở gần, tiếp xúc với các giảng viên Bách khoa ở khu tập thể của trường.
Trường Hùng:
GS Vũ Hà Văn rời Việt Nam đi du học từ năm 17 tuổi, trong đó có 28 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ. Năm 2021, có lẽ cũng là thời lâu nhất GS làm việc và ở cùng bố mẹ tại Việt Nam tới gần 10 tháng. Đời sống của 3 người trong gia đình ông bà diễn ra như thế nào?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Vui ở chỗ, nếu cần cái gì là Văn sang nhà tôi ngay. Tuy chỉ 5 - 10 phút thôi nhưng mình có cảm giác con cái ở bên cạnh.
Văn rất lo cho chúng tôi về mặt tình cảm. Buổi nào rỗi, con đều mời bố mẹ đi ăn tiệm, chứ không để bố mẹ nấu đâu. Về phía ông bà thông gia, Văn cũng rất chú ý, các cụ bây giờ cũng hay ốm đau.
Trước đây lo chúng tôi tuổi già ốm đau, Văn cũng tạo điều kiện cho bố mẹ sang Mỹ nhập tịch. Mọi việc xong xuôi hết rồi, nộp tiền đăng ký xin thẻ xanh, giữ được 5 năm thẻ xanh thì được thi quốc tịch. Nhưng với thẻ xanh, mỗi năm phải ở bên đấy 6 tháng trở lên thì mới có giá trị, còn dưới thì sẽ tính thẻ lại từ đầu. Chúng tôi lo không ở nổi, nghĩ vậy liền cảm thấy nặng nề. Cuối cùng quyết định không đi nữa, hai vợ chồng tự nhiên lại thấy phấn khởi. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy đây là một quyết định đúng đắn.
Trường Hùng:
Ông bà đã chia sẻ rất nhiều, nhưng tôi vẫn muốn có một sự đúc kết ngắn gọn: Những người làm cha làm mẹ cần phẩm chất gì để dạy dỗ con thành những nhân tài như ông bà?
Dược sĩ Đào Thị Hường: Đầu tiên bố mẹ phải là người gương mẫu – trước con cái và về mọi mặt sinh hoạt, đạo đức, cách ứng xử. Đây là tấm gương để con cái nhìn vào, soi chiếu và học tập.
Thứ hai, cần phải tạo nền nếp gia đình phù hợp với hoàn cảnh của mình. Chứ không phải mình nghèo mà lại sĩ diện, hoàn cảnh thế nào sống đúng như thế, không quỵ lụy ai cả.
Thứ ba, tạo một môi trường học tập thoải mái cho con. Không nên o ép con quá, thấy con phát triển ở mặt nào mạnh thì tiến tới kích thích, tạo điều kiện cho con có thể theo được.
Trong quá trình này, cha mẹ luôn luôn theo dõi, sát sao, khi con gặp bế tắc thì cùng con gỡ rối. Nếu có xảy ra chuyện gì không hay cũng cần nói năng nhẹ nhàng, không nên ầm ĩ – cả về cả thành tích lẫn khuyết điểm của con. Con đạt thành tích tốt cũng tránh việc "tốt đẹp phô ra", vì hữu xạ sẽ tự nhiên hương.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi chỉ bổ sung một điều thôi. Hoàn cảnh gia đình đã giúp tôi thấu hiểu một điều rằng, bố mẹ phải thương con và thương một cách sâu sắc. Và bằng tình thương, chúng tôi tạo cho con một sự say mê trong học tập và vì nhau trong đời sống.
Trường Hùng:
Xin hỏi ông bà câu cuối cùng: Khi tuổi ngày một cao, ông đã bước sang tuổi 83, còn bà đã bước sang tuổi 74, ông bà còn những trăn trở gì về con cái, về các cháu của mình?
Dược sĩ Đào Thị Hường: Tôi chỉ có một trăn trở là luôn xa cách con cháu thôi!.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thời gian các con tôi ở cùng với bố mẹ ít quá, Với Văn, đến lúc này thời gian gần bố mẹ chỉ bằng một nửa thời gian xa cách. Hồi Văn sang Hungary học, tháng nào cũng có một bức thư. Lúc có máy tính, ngày nào cũng viết một dòng về cho bố mẹ. Bây giờ đi lại nhiều rồi, Văn cũng ít nói hơn trước.
Trường Hùng:
Trong bối cảnh ngày nay, khi những tiêu cực len lỏi vào mọi cá nhân, mọi nhà. Ông bà có lo lắng về nguy cơ "đứt gãy" sự học và nền nếp gia đình mình hay không?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi không dám lo xa. Trong tương lai có nhiều thứ phát triển, bản thân mình cũng không lường được. Chỉ có lo gần, gia đình trước mắt chúng tôi là đang phân tán. Tuổi già này rất cần con cháu ở gần, nhưng ngược lại, vợ chồng chúng tôi đã xác định rằng, khi con thành công tức là mình đã hiến con cho một cộng đồng lớn hơn.
Trường Hùng:
Xin trân trọng cám ơn ông bà về cuộc trò chuyện thú vị này!
Theo Trường Hùng
Tổ Quốc Link báo gốc: http://toquoc.vn/bo-me-gs-vu-ha-van-ths-google-vu-thanh-diem-cong-hien-cho-to-quoc-la-thieng-lieng-lam-82022274016248.htm