HSBC: Số người Việt có khối lượng tài sản trên 250.000 USD sẽ tăng 250%, dẫn đầu châu Á

Chia sẻ Facebook
25/10/2022 16:53:14

Tốc độ tăng trưởng 250% cũng vượt qua Philippines, Ấn Độ, Indonesia,... và đứng đầu trong khu vực. Lý do bởi Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với các quốc gia có hoàn cảnh tương tự.


Trong khuôn khổ Hội thảo Triển vọng Thị trường - Việt Nam, Hiện tại, Tương lai và Triển vọng mai sau , Ngân hàng HSBC Việt Nam đã đưa ra thống kê, dự báo về sự gia tăng của khu vực trung lưu của khu vực châu Á.


Nhìn chung, từ năm 2008, tổng tài sản tài chính khu vực châu Á đã vượt Mỹ và được dự báo sẽ tiếp tục vượt trội hơn cường quốc cờ hoa. Số lượng người có mức tài sản vượt trên 250.000 USD trong vòng 10 năm tới tiếp tục tăng. Đáng nói, khi đề cập đến sự gia tăng tài sản của tầng lớp trung lưu trong khu vực này, Việt Nam dẫn đầu trong danh sách. HSBC dự báo Việt Nam sẽ tăng 250% số người trưởng thành có khối lượng tài sản trên 250.000 USD trong 10 năm tới đây .

Trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị toàn cầu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất ổn, kỳ vọng tăng trưởng đã giảm ở hầu hết các nước trên thế giới thì Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng. Mặc dù Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy yếu chỉ ở mức 2,8% cho năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 7,2%. Trong quý 3/2022, GDP của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, thời điểm kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát mạnh của Covid. Tổng kết 9 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng trưởng tới 8,83%, cao nhất trong 11 năm qua.

"Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có chỉ số tăng trưởng GDP thực qua từng năm nhiều hơn Italia. Nên nhớ, Italia là một trong các quốc gia của khối G7 vẫn có nền kinh tế tương đối lớn nhưng mức tăng GDP thực của Việt Nam sẽ vượt Italia. Điều này liên quan đến mức tiêu dùng"


Nói thêm về mức tiêu dùng, HSBC cũng đưa ra thông tin, Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.

Báo cáo Phát triển Việt Nam được World Bank công bố năm 2020 cho biết, người tiêu dùng giàu hơn và thói quen tiêu dùng thay đổi của tầng lớp này đang ảnh hưởng đến nhu cầu kết nối ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị và ven đô. Ngoài sự kết nối về mặt vật lý, những thay đổi này có ý nghĩa là nhu cầu cao hơn đối với các dịch vụ như vận chuyển và logistics, truy xuất nguồn gốc, an toàn, kịp thời và chất lượng.


Cũng theo định nghĩa của World Bank, tầng lớp trung lưu toàn cầu là những người có mức sống cao hơn 15 USD/người/ngày, tức tương đương ở mức 10,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, OECD định nghĩa mức chi tiêu hàng ngày của người thuộc tầng lớp trung lưu khoảng 10- 100 USD /người (khoảng 0,23-2,3 triệu đồng)…

Khu vực Đồng bằng sông Hồng (bao gồm Hà Nội) có 18,7% dân số thuộc tầng lớp trung lưu. Trong khi tại khu vực Đông Nam (bao gồm TPHCM), có tới 28,2% là giới trung lưu.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho biết, trong giai đoạn 2011-2019, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể, từ 7,8% dân số năm 2011 (tương đương hơn 6,8 triệu người) lên 20,2% năm 2019 (tương đương 19,5 triệu người).


Hoàng Thùy

Chia sẻ Facebook