HRW: Ukraine sử dụng bom chùm làm dân thường thiệt mạng

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 04:39:47

Hôm thứ Ba (5/9), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết quân đội Ukraine đã sử dụng bom chùm để pháo kích thành phố Izyum và khiến dân thường tử vong. Vụ tấn công xảy ra vài tháng trước khi Mỹ cung cấp thêm bom chùm cho Kyiv, bất chấp sự phản đối của nhiều thành viên NATO.

B52 Hoa Kỳ thả bom chùm xuống một khu vực do ĐCSVN kiểm soát ở miền Nam Việt Nam 02/8/1965 trong Chiến tranh Việt Nam. (Nguồn ảnh: should read STF/AFP via Getty Images)


Bà Mary Wareham của HRW nói với tờ RIA Novosti: “Chúng tôi phát hiện điều này sau khi người Nga rời đi và các nhà điều tra của chúng tôi đến đó để xem xét về những tội ác chiến tranh và hành động tàn bạo đã xảy ra – và họ nhìn thấy tàn dư của bom chùm ở khắp mọi nơi. Sau khi tìm ra hướng hỏa lực phát ra, họ xác định rằng chúng (bom chùm) đã được lực lượng Ukraine sử dụng.”


Báo cáo Giám sát bom chùm hàng năm lần thứ 14, do HRW công bố trong tuần này, lưu ý rằng tổ chức này đã lần đầu lên tiếng về vụ tấn công vào tháng Bảy, nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine đã chính thức phủ nhận việc từng sử dụng những loại bom, đạn như vậy tại Izyum hoặc khu vực xung quanh.

Thành phố Izyum có vị trí chiến lược quan trọng ở Vùng Kharkov và bị lực lượng Nga nắm giữ từ tháng 5/2022. Đến cuối tháng 9/2022, lực lượng Nga đã rút lui do một cuộc tấn công hướng về phía bắc của Ukraine. Ngoài các cuộc tấn công được các nhà điều tra của HRW ghi lại, quân đội Ukraine đã sử dụng bom chùm nhằm vào khu vực này trong suốt năm 2022, báo cáo trích dẫn thông tin từ Ủy ban Điều tra Độc lập của Liên hợp quốc về Ukraine.

Bà Wareham chỉ ra rằng HRW có lời khai chi tiết về những thường dân thiệt mạng hoặc bị thương do bom chùm.

Một báo cáo của HRW từ tháng 1/2023 cũng có thông tin về việc Ukraine sử dụng bom chùm, và việc nhắm mục tiêu vào Izyum bằng mìn sát thương ‘Butterfly’, khiến 11 dân thường thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương, trong đó có 5 trẻ em. HRW cho biết quân đội Nga đã thông báo cho người dân về sự nguy hiểm của các loại mìn này, trích dẫn lời khai của khoảng 100 cư dân địa phương.


Khi công bố báo cáo thường niên, bà Wareham cho hay: “Bom chùm là loại vũ khí ghê tởm bị cấm trên toàn cầu vì chúng gây ra tổn hại và đau khổ cho người dân ngay trước mắt cũng như trong dài hạn. Thật vô lương tâm khi người dân vẫn chết vì các cuộc tấn công bằng bom chùm 15 năm sau khi những loại vũ khí này bị đặt ngoài vòng pháp luật.”

Mỹ, Nga và Ukraine đã không tham gia Công ước về Bom chùm (CCM), công ước vốn cấm loại bom này vì lý do gây thiệt hại cho người dân. Đầu năm nay, Washington đã bác bỏ sự phản đối của một số đồng minh NATO là thành viên của CMM và đã gửi cho Kyiv các loại pháo chứa đạn chùm DPICM 155mm.

Một số kênh truyền thông của Mỹ đưa tin rằng Lầu Năm Góc đã nhận được báo cáo chi tiết từ Ukraine về thời gian và địa điểm sử dụng vũ khí DPICM của nước này. Phía Nga cũng ghi lại nhiều trường hợp DPICM được dùng làm thương vong dân thường ở Donetsk.

Bom đạn chùm là gì, và vì sao chúng bị cấm?

Bom mẹ chứa bom bi như các quả ổi. (Ảnh 1960, nguồn ảnh Wikipedia)


New York Times miêu tả đây là loại vũ khí gồm tên lửa, bom (như bom bi mà Mỹ dùng ở Việt Nam), đạn pháo mà chứa đạn nhỏ hơn bên trong. Bom đạn mẹ sẽ vỡ ra khi ở trên không, kích hoạt rồi phân tán rộng các đạn con ở bên trong (như lựu đạn) ra một khu vực rộng lớn. Các đạn con tựa như trái ổi, trái dứa, v.v. có thể phát nổ và gây sát thương ngay lập tức khi chạm mục tiêu.


Tuy nhiên một phần tỷ lệ không nổ ngay lập tức mặc dù đã được kích hoạt, và khi người dân thường chạm vào thì lúc đó mới phát nổ, hoặc khi có xáo trộn hay rung động thì sẽ phát nổ.


Tỷ lệ này là cao nhất trong số tất cả các loại vũ khí —lên tới 20% theo con số từ các tổ chức nhân đạo— gây hậu quả lâu dài và tàn khốc đối với dân thường, thậm chí rất nhiều năm sau chiến tranh.


Brian Castner, chuyên gia vũ khí của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng cho đến hiện nay vẫn không có phương pháp nào triển khai loại bom đạn này một cách có trách nhiệm mà không ảnh hưởng tới dân thường, “Không có cách nào có trách nhiệm để sử dụng bom đạn chùm.”


Kể từ Đại Thế chiến II, bom đạn chùm đã giết chết khoảng 56.500 đến 86.500 thường dân, gồm cả trẻ em ở Syria, Yemen, Afghanistan, Lebanon, Balkan, và Lào, những người vẫn tiếp tục phải chịu đựng những sự cố liên quan đến tàn dư của bom đạn chùm.


Vy An (t/h)

Tổng thống Litva: Tham nhũng làm suy yếu quốc phòng Ukraine

Tổng thống Litva cảnh báo rằng nạn tham nhũng ở Ukraine đang gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và năng lực quốc phòng của nước này

Chia sẻ Facebook