HPG “hụt hơi” trên đường đua thanh khoản, thị trường sắp gọi tên "cổ phiếu quốc dân” mới?
Trong số 7 cổ phiếu VND, HPG, POW, SSI, HAG, STB, BSR giao dịch sôi động nhất sàn trong 1 tháng qua, VND là cái tên gây ấn tượng mạnh với khối lượng bình quân phiên hơn 25 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần con số trung bình 1 năm trở lại đây.
Thị trường chứng khoán đang trải qua khoảng thời gian ảm đạm nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây với nhiều phiên khớp lệnh trên HoSE xuống dưới 10.000 tỷ đồng. Tính trên cả 3 sàn, chỉ 7 cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 1 tháng trở lại đây (20 phiên gần nhất) trên 10 triệu đơn vị gồm VND, HPG, POW, SSI, HAG, STB, BSR.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng giao dịch đầy sôi động với khối lượng tăng vọt so với giai đoạn trước. Nổi bật nhất là VND của VNDirect với khối lượng khớp lệnh bình quân 1 tháng qua đây lên đến hơn 25 triệu đơn vị/phiên, gấp 2,5 lần con số trung bình 1 năm trở lại đây. SSI, BSR, DIG,... cũng có sự cải thiện về mặt thanh khoản trong khi HPG, POW, HAG, STB, ITA, PVS,... đã phần nào đó bớt sôi động hơn trong thời gian qua.
Nhắc đến "cổ phiếu quốc dân", nhà đầu tư thường sẽ nghĩ ngay đến HPG của Hòa Phát bởi giao dịch đầy sôi động. Thời đỉnh cao, HPG từng nhiều lần "gánh" thanh khoản cả sàn chứng khoán với khối lượng giao dịch hàng chục triệu cổ phiếu mỗi phiên, giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Điều này không qua bất ngờ khi đại gia ngành thép có đến hơn 160.000 cổ đông, nhiều nhất sàn chứng khoán. HPG cũng dẫn đầu 3 sàn về tổng lượng cổ phiếu lưu hành với hơn 5,8 tỷ cổ phiếu và lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (free float) cũng "đông như quân Nguyên" với gần 3,2 tỷ đơn vị.
Tuy nhiên, phong độ của HPG đã suy giảm đáng kể trong thời gian gần đây dù thị giá đã "mềm" đi nhiều so với đỉnh. Ngược lại, VND thực sự gây bất ngờ và sẵn sàng soán ngôi cổ phiếu quốc dân dù không có nhiều lợi thế như HPG.
Theo thống kê, toàn sàn hiện có 16 cổ phiếu có lượng free float trên 1 tỷ đơn vị trong đó hầu hết là ngân hàng do quy định về sở hữu. Ngoài ra, nhóm này còn có HPG, VIC, VHM, SSI, MWG và không có sự xuất hiện của VND. Lượng free float của VND hiện vào khoảng hơn 900 triệu đơn vị (tỷ lệ 75%), thấp hơn đáng kể so với top trên.
Nhiều nguyên nhân có thể lý giải cho sự trỗi dậy của nhóm chứng khoán trong cuộc đua thanh khoản với 2 đại diện tiêu biểu là VND và SSI. Việc cổ phiếu chiết khấu sâu từ đỉnh kích thích cầu bắt đáy cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng nhưng không phải là khác biệt bởi phần lớn cổ phiếu trên sàn đều đã giảm mạnh thời gian qua.
Câu chuyện phát hành thêm có lẽ thuyết phục hơn khi bộ đôi VND và SSI cùng tăng vốn trong giai đoạn trước làm tăng mạnh lượng cổ phiếu lưu hành và free float. Hiện tại, vốn điều lệ của 2 CTCK này đều đã trên 10.000 tỷ đồng, thậm chí còn vượt nhiều ngân hàng tầm trung.
Xét trên con số tuyệt đối, HPG thực tế đã phát hành thêm (trả cổ tức) lượng lớn cổ phiếu còn lớn hơn 2 CTCK trên. Dù vậy, tỷ lệ trên lượng cổ phiếu lưu hành chỉ ở mức 30% thấp hơn nhiều so với VND (180%) và SSI (50%). Thêm nữa, 1,34 tỷ cổ phiếu HPG phát hành thêm hiện vẫn chưa về tài khoản nhà đầu tư và dự kiến sẽ được giao dịch từ ngày 20/7 tới đây.
Đến lúc đó, nếu HPG chưa thể lấy lại phong độ, rất có thể danh xưng "cổ phiếu quốc dân" sẽ bị VND soán mất. Bởi thực tế, khả năng hút tiền về cơ bản vẫn xuất phát từ tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu và nhóm chứng khoán đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc trở lại sau giai đoạn khó khăn vừa qua.
Quy chế thanh toán bù trừ mới "T+1,5" dự kiến áp dụng từ cuối tháng 8 được kỳ vọng sẽ góp phần cởi nút thắt thành khoản thị trường và hỗ trợ tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của các CTCK. Thêm nữa, lượng nhà đầu tư tham gia vào chứng khoán vẫn khiêm tốn và còn nhiều dư địa để phát triển cũng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho nhóm chứng khoán.