Hợp tác kinh tế Việt - Trung hướng đến tầm cao mới

Chia sẻ Facebook
06/11/2022 22:02:29

Với các văn kiện được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều kỳ vọng được đặt ra với tương lai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Việt Nam với quy mô thương mại song phương luôn duy trì trên 100 tỷ USD/năm.

Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Gò Đàng, Tiền Giang, xuất khẩu khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Trong đó, một nửa là xuất sang Trung Quốc. Đây cũng là thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam mạnh nhất từ đầu năm đến nay với tốc độ tăng trên 85% so với cùng kỳ năm 2021.

"Các tập quán, văn hóa giống nhau. Ngoại giao giữa mình và Trung Quốc rất chặt chẽ thì đó là tín hiệu rất tốt, mở ra cho thương mại của mình nói chung và hàng nông thủy sản nói riêng để tiêu thụ sản phẩm của mình", ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Gò Đàng, Tiền Giang, cho biết.

Trong bối cảnh dịch bệnh, trao đổi thương mại Việt Nam - Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 132 tỷ USD, tăng trên 10% so cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy cấp phép cho hàng Việt Nam xuất chính ngạch như: khoai lang, hoa quả có múi, tổ yến. Một tín hiệu tích cực cho trao đổi thương mại giữa hai nước, đó là việc tiếp tục phát huy cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới và hợp tác phòng chống dịch.

Đến nay, có 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. (Ảnh: TTXVN)

"Hai nhà lãnh đạo thống nhất nhiều vấn đề, trong đó rất quan tâm làm sao để chuỗi cung ứng hàng hóa qua biên giới luôn thông suốt với sự phối hợp chặt giữa hai bên, nhất là đảm bảo phòng dịch tốt để trao đổi thương mại phát triển", PGS. Thượng Phong, Đại học Ngoại thương Trung Quốc, chia sẻ.

"Trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư cũng đã làm việc với phía Trung Quốc để đảm bảo mối quan hệ hợp tác bền vững hơn trong đó có mối quan hệ hợp tác trong nông nghiệp. Chúng tôi cũng xác định phải chuẩn hóa lại về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng, truy xuất nguồn gốc", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thông tin.


Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác lớn thứ 6 của nước này trên thế giới. Trên nền tảng này, hai bên nhất trí triển khai các biện pháp nhằm hướng đến cân bằng thương mại, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực như thực phẩm chất lượng cao, công nghiệp hóa, công nghiệp phụ trợ.


"Trong 25 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại đã tăng trưởng bình quân 22%/năm. Đây là con số khổng lồ nếu so với các đối tác thương mại khác, do đó có cơ sở để tin tưởng rằng chuyến thăm và làm việc cấp cao nhất của hai bên mở ra quy mô thương mại lớn hơn. Trung Quốc rất nhất quán và mạnh mẽ trong thúc đẩy quy mô thương mại chính ngạch đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng", TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), đánh giá.

"Tôi thấy rất vui về sự tăng cường hợp tác giữa hai nước, đây là tiền đề để tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi và tích cực đối với doanh nhân và doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Hy vọng các doanh nghiệp hai nước có thể nắm bắt được cơ hội này, đóng góp tích cực cho kinh tế và đầu tư cả hai bên, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước", ông Dai Yong Lin, Thư ký Hội Doanh nghiệp Vân Nam, Trung Quốc tại Việt Nam, nhận định.

"Nếu hai bên hợp tác sản xuất trong các công đoạn của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, nhất là công nghệ chế tạo thì tương lai lĩnh vực rất sáng sủa, tôi rất có kỳ vọng vào tương lai hợp tác giữa hai nước", GS. Đường Nhiệm Ngũ, Chuyên gia kinh tế, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc, cho hay.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt, kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây chính là những đại lộ tạo tiền đề cho sự bứt phá trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc vì với dân số hơn 1,4 tỷ người, nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn và đa dạng.

Chia sẻ Facebook