Hợp tác giữa Trung Quốc và New Zealand cùng thám hiểm rãnh đại dương sâu hơn 10.000m

Chia sẻ Facebook
29/11/2022 15:49:56

Các nhà khoa học Trung Quốc và New Zealand đã hoàn thành chuyến thám hiểm rãnh đại dương Kermadec, một trong những nơi sâu nhất trong lớp vỏ Trái đất.

Tàu Tan Suo Yi Hao chở phi hành đoàn cập cảng Queens Wharf ở New Zealand hôm 27/11. (Ảnh: Xinhua).


Tiến sĩ Kareen Schnabel, nhà sinh học biển người New Zealand từ Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia (NIWA) hôm 27/11 đã nhiều lần sử dụng cụm từ "không thể tin được" để mô tả trải nghiệm độc đáo của bà với hai đồng nghiệp Deng Yuqing và Yuan Xin từ Viện Khoa học và Kỹ thuật Biển sâu Trung Quốc (IDSSE) sau chuyến thám hiểm tới rãnh Kermadec , cách New Zealand hơn 1.000km về phía đông bắc.


Rãnh đại dương này trải dài hơn 1.000km và điểm sâu nhất của nó, Scholl Deep , nằm dưới mực nước biển tới 10.047m. Để so sánh, đỉnh núi cao nhất trên Trái đất, Everest, chỉ cao 8848,86m.

Yuan Xin, Deng Yuqing và Kareen Schnabel (trái qua phải). (Ảnh: IDSSE)


Trong chuyến đi kéo dài hai tháng trên tàu nghiên cứu "Tan Suo Yi Hao" của IDSSE, bộ ba nhà khoa học đã sử dụng tàu lặn sâu HOV Fendouzhe để đi xuống Scholl Deep, biến Schnabel và Deng thành những người phụ nữ đầu tiên làm được điều này. Họ đã dành 6 giờ khám phá Scholl Deep và các sườn dốc của rãnh Kermadec, thu thập thành công các mẫu nước biển sâu, trầm tích, đá, mẫu sinh học cũng như dữ liệu môi trường.


"Sách giáo khoa và hình ảnh không thể so sánh với việc trải nghiệm ánh sáng biến mất khi bạn rời khỏi bề mặt đại dương và nhìn thấy đáy biển sâu bằng chính đôi mắt của mình", Schnabel chia sẻ. " Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều động vật nhỏ dưới đáy biển và trong nước. Điều đáng lo ngại là vẫn còn rác như phao và lưới đánh cá, mặc dù chúng tôi ở độ sâu hơn 10.000m dưới mực nước biển".

Tàu lặn biển sâu HOV Fendouzhe. (Ảnh: IDSSE).

Ngoài hoạt động của HOV Fendouzhe, phi hành đoàn cũng triển khai các thiết bị độc lập khác như tàu đổ bộ, thiết bị lấy mẫu nước và thiết bị lấy mẫu lõi trầm tích sử dụng trọng lực.


"Thật thú vị cho các nhà khoa học Trung Quốc và New Zealand khi có cơ hội đánh giá toàn diện về sự phức tạp, đa dạng của địa lý và hệ sinh thái của Rãnh Kermadec. Việc lấy mẫu mang đến cho chúng ta cơ hội duy nhất để hiểu bản chất của mảng hút chìm và mảng đè lên, cũng như cơ chế bắt đầu hút chìm ở rãnh Kermadec" , Tiến sĩ Peng Xiaotong từ IDSSE, người đứng đầu dự án thám hiểm này, cho biết.

Đại sứ Trung Quốc Wang Xiaolong nhấn mạnh chuyến thám hiểm là một hành trình khám phá và hữu nghị, tạo nền tảng quan trọng cho sự hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và New Zealand.

Chia sẻ Facebook