Hợp tác chặt chẽ với ASEAN đang trở thành nhu cầu thiết yếu với nhiều quốc gia

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 02:45:19

Từ trước đến nay, những sáng kiến và nỗ lực của ASEAN trong việc bảo đảm an ninh khu vực luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.


Nỗ lực thắt chặt quan hệ với ASEAN đã được thể hiện rất rõ qua các cam kết về lợi ích lâu dài mà những sáng kiến và nỗ lực của ASEAN mang đến cho khu vực thời gian qua.


Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm trong chuyển hướng chính sách tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, EU cùng nhiều cường quốc, là ưu tiên chính sách đối ngoại của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia.

Liên tiếp tại nhiều diễn đàn, từ Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ, các nước đều khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á với ASEAN là trung tâm.

TS. Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI), Campuchia, nói: "ASEAN là tổ chức khu vực quan trọng nhất có thể cung cấp nền tảng cho đối thoại, xây dựng lòng tin, cũng như ngăn ngừa xung đột và quản lý xung đột. Vì vậy, nói ngắn gọn, ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực vì ASEAN là thể chế khu vực duy nhất nhận được sự tin tưởng từ các đối tác khác nhau".

ASEAN đã thông qua tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương triển khai nhiều cơ chế đối thoại với đối tác như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với đối tác (ADMM+), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á… nhằm thảo luận, tìm kiếm đồng thuận, xây dựng lòng tin vì khu vực hòa bình, ổn định, thịnh vượng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. (Ảnh: AP)

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS Yusof Ishak), Singapore, cho biết: "Chúng ta đều biết là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và rộng ra khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đông Nam Á đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực, thể hiện qua nhiều các diễn đàn, nhiều dàn xếp về mặt đối thoại, về mặt an ninh, về mặt hợp tác chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, để duy trì được vai trò trung tâm của mình, ASEAN phải nỗ lực để duy trì được tiếng nói của mình và có thể đáp ứng được kỳ vọng của những quốc gia thành viên cũng như các hình thức đối tác".

Trước các thách thức hiện nay, ASEAN cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động, đóng vai trò là trung gian hòa giải trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực; tăng cường củng cố, thể chế hóa những cơ chế đã có, xem xét những cơ chế hợp tác mới để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, thích ứng kịp thời, linh hoạt hơn với bối cảnh mới, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.

Tại Đối thoại Shangri-la 2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh trong khu vực.


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, ASEAN nằm ở giao điểm của hai vùng biển rộng lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nên đóng vai trò không thể thiếu đối với việc hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Nhật Bản đang theo đuổi.

Ông Nobuo Kishi nhấn mạnh, việc tăng cường củng cố luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác mà ASEAN đóng vai trò trung tâm là không thể thiếu đối với tiến trình hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điển hình như cơ chế hợp tác ASEAN - Nhật Bản, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)…

Chia sẻ Facebook