Hợp sức gỡ "nút thắt" dự án kết nối vùng

Chia sẻ Facebook
05/03/2023 17:07:25

Một loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ sắp triển khai hứa hẹn sẽ sớm gỡ "nút thắt" về hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm này

Hợp sức gỡ "nút thắt" dự án kết nối vùng

Một loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ sắp triển khai hứa hẹn sẽ sớm gỡ "nút thắt" về hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm này


Chủ tịch UBND 4 địa phương gồm: TP HCM , Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có buổi làm việc để bàn về các dự án thúc đẩy kết nối vùng. Lãnh đạo các địa phương thống nhất cùng nhau phối hợp chặt chẽ triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng và của mỗi địa phương có tác động đến vùng.


Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối vùng


Lãnh đạo các tỉnh, thành khẳng định giao thông phát triển, thông suốt sẽ tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phát triển. Do đó, hiện nay các địa phương đang đề xuất các dự án giao thông kết nối vùng. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đang phối hợp để thực hiện các dự án giao thông liên kết vùng quan trọng như đường Vành đai 3, 4 - TP HCM ; dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của TP HCM … Bên cạnh đó, Bình Dương đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phương án đầu tư tuyến đường sắt Bàu Bàng đến cảng Cái Mép - Thị Vải.


Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh có 3 vị trí kết nối với TP HCM gồm cầu kết nối TP Thủ Đức với huyện Long Thành (tạm gọi là cầu Đồng Nai 2) tại vị trí tuyến ĐT.777B; cầu thay phà Cát Lái tại vị trí phà hiện hữu và cầu kết nối khu Nam TP HCM với huyện Nhơn Trạch (tạm gọi là cầu Phú Mỹ 2) tại vị trí khu dân cư Phú Hữu. Đồng thời, tỉnh bổ sung 4 vị trí cầu kết nối với Bình Dương gồm cầu Hiếu Liêm 2; cầu Tân An - An Lạc; cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2. Ngoài ra, giữa TP Biên Hòa (Đồng Nai) và TP Dĩ An (Bình Dương) còn có 6 vị trí kết nối khác. Đồng Nai cũng đang cân nhắc bổ sung 7 vị trí kết nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay tỉnh cùng các địa phương khác đang triển khai các dự án như tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 4 - TP HCM ; tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.


Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM , đồng tình với ý kiến của các tỉnh về quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối vùng. Theo ông Phan Văn Mãi, ngoài dự án đường Vành đai 3 đã được phê duyệt và chuẩn bị khởi công, TP HCM đồng tình với đề xuất của tỉnh Bình Dương và các tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4. Đồng thời, chú trọng các vấn đề về phát triển đường sắt, chuyển đổi số, y tế vùng và quy hoạch ven sông.

Dự án Vành đai 4 - TP HCM đoạn qua thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng


Tập trung gỡ khó dự án đường Vành đai 3


Liên quan tuyến đường Vành đai 3 - TP HCM , ông Phan Văn Mãi đề nghị các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai phối hợp xây dựng đơn giá bồi thường khu vực giáp ranh, cũng như thống nhất các nội dung trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật để bảo đảm đồng bộ. Về nguồn vật liệu, theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM phối hợp với tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thực hiện khảo sát nguồn vật liệu cho dự án, bảo đảm đủ nguồn và điều phối nguồn vật liệu cung cấp cho dự án. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ làm việc với các đơn vị khai thác khoáng sản để cam kết cung cấp vật liệu cho dự án.


Mặt khác, TP HCM sẽ trao đổi, thống nhất với tỉnh Đồng Nai cùng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu mở rộng dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (dự án thành phần 1A), bảo đảm khai thác đồng bộ với toàn dự án Vành đai 3 TP HCM (giai đoạn phân kỳ).


Ông Võ Văn Minh kiến nghị trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ TP HCM cũng như vùng để sớm hoàn thiện các kết nối đa phương thức gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ vận tải hàng hóa, hành khách. Đặc biệt, ưu tiên các kết nối mới bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương vào trung tâm TP HCM , sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm TP HCM ra vùng TP HCM , thông qua đó mở rộng các không gian phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, hướng tới phát triển Bình Dương trở thành một vệ tinh đi đầu trong đổi mới sáng tạo của vùng Đông Nam Bộ và quốc gia.


Ông Nguyễn Văn Thọ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh thống nhất các nội dung liên quan tuyến Vành đai 4 TP HCM như thống nhất phân kỳ các giai đoạn đầu tư; phương thức đầu tư mỗi giai đoạn; quy mô và tổ chức điều phối chung các dự án thành phần bảo đảm đầu tư đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải triển khai đồng bộ tuyến đường sắt TP HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) và đoạn kết nối với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối trung tâm đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và hành lang kinh tế xuyên Á.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng để các đề án, dự án của từng địa phương được giao có tác động đến phát triển vùng, các tỉnh, thành cần trao đổi, xin ý kiến nhau; thành lập quỹ phát triển giao thông vùng và thống nhất sẽ có các cuộc họp chung thường xuyên nhằm thúc đẩy và triển khai các dự án giao thông kết nối vùng thuận lợi và hiệu quả.

Các địa phương đã triển khai quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của địa phương trong vùng nói riêng và liên kết vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Bài và ảnh: THẢO NGUYỄN


Người lao động

Chia sẻ Facebook