Hồng Kông: Trường hợp đầu tiên bị bỏ tù vì tội “xúc phạm quốc ca”

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 01:49:20

Cô Paula Leung, nhà báo online 42 tuổi, người phất cờ Hồng Kông thời thuộc Anh khi xem phim cảnh lễ có nhạc quốc ca Đại Lục vào năm ngoái, đã bị phán quyết tù 3 tháng vì tội “xúc phạm quốc ca” vào hôm qua 10/11, và là người Hồng Kông đầu tiên bị tù vì tội danh này.

Tòa án Kwun Tong Court hôm Thứ Năm đã phán quyết cô án tù 3 tháng, và cô Leung đã nhận tội, CNN đưa tin hôm 11/11.

Cô đã vẫy cờ Hồng Kông thời thuộc Anh trong một trung tâm mua sắm nơi màn hình lớn đang chiếu lễ trao huy chương sau chiến thắng của Edgar Cheung trong trận đấu tại Thế vận hội Tokyo vào tháng 7 năm 2021.

Rất đông người đã tụ tập mừng huy chương vàng Olympic thứ hai của Hồng Kông này, và cũng là huy chương vàng lần đầu tiên ở môn đấu kiếm, nhưng khung cảnh trở nên ồn ào khi quốc ca Trung Quốc Đại Lục được vang lên trong lễ trao giải và một số người trong đám đông bắt đầu la ó.

Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, tiếp tục vẫn mang tư cách riêng ngoài Trung Quốc tại các thế vận hội mặc dù đã đã được Trung Quốc tiếp quản theo cơ chế “hai chế độ” vào năm 1997.

Đây cũng là lần đầu tiên quốc ca của Trung Quốc được phát trong dịp thế này, nhanh chóng trở thành chủ đề gây tranh cãi. Trước đây, khi vận động viên Hồng Kông đoạt giải, ban tổ chức vẫn phát nhạc bài “Chúa cứu rỗi Nữ hoàng”. Giải vàng lần trước, khi vận động viên lướt ván buồm Lee Lai-shan đoạt huy chương vàng đầu tiên tại Olympic cho Hồng Kông ở Thế vận hội Atlanta năm 1996 cũng là bài “Chúa cứu rỗi Nữ hoàng”, trong khi cờ Hồng Kông thời thuộc Anh được kéo lên.

Cờ Hồng Kông thời thuộc Anh đôi khi được những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông dùng khi họ triển khai các hoạt động phản đối chế độ cai trị hà khắc của Trung Quốc Đại Lục, và Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn coi việc dùng lá cờ này là hành vi thách thức quyền uy của mình. Sự kiện hàng nghìn người Hồng Kông xếp hàng ngoài Lãnh sự quán Anh để bày tỏ kính trọng Nữ hoàng Elizabeth II sau khi bà qua đời tháng 9 vừa qua, cũng được ĐCSTQ coi là một hình thức phản kháng tinh vi.

Các cuộc tụ tập công khai trở nên hiếm hơn kể từ khi Trung Quốc ban hành Luật An ninh Quốc gia vào tháng 6/2020 để dập tắt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ngày càng gay gắt.

Cùng tháng đó, chính quyền địa phương Hồng Kông đã đưa ra luật xử phạt cái gọi là xúc phạm quốc ca Trung Quốc, có thể bị phạt tù tới ba năm và phạt tiền lên đến 6.400 đô la Mỹ (50.000 đô-la Hồng Kông).

Luật pháp yêu cầu mọi người phải “đứng nghiêm trang và tự trọng” khi hát hoặc nghe bài quốc ca Trung Quốc Đại Lục đang phát.


Thiên Đức (Theo CNN)

Sau 25 năm bàn giao chủ quyền Hồng Kông, giấc mơ tự trị đã tan thành mây khói

25 năm sau khi Hồng Kông được bàn giao chủ quyền về cho Trung Quốc (1997), cái gọi là quyền tự trị đã tan thành mây khói như một giấc mơ.

Chia sẻ Facebook