Hơn nửa triệu hài cốt liệt sĩ đang chờ được giám định ADN
Hơn nửa triệu hài cốt liệt sĩ đang chờ được giám định ADN. Có những nơi kết quả chính xác chưa đến 1/10 vì mẫu xương bị phân hủy và càng để lâu càng khó giám định.
Ngày 27/7, kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, cũng là ngày cả dân tộc thành kính tri ân những anh hùng, liệt sỹ, chiến sỹ đã hy sinh quên mình vì độc lập tự do, vì vẹn toàn núi sông và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân được các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực thực hiện; thể hiện truyền thống đạo lý 'Uống nước, nhớ nguồn', 'Đền ơn, đáp nghĩa' của dân tộc ta.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa quy tập, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, nước bạn Lào và Campuchia. Ngoài ra còn trên 300.000 hài cốt liệt sỹ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng thiếu thông tin. Như vậy, tổng số liệt sỹ chưa xác định thông tin là 500.000.
Việc tìm kiếm, hiện nay đã có trang thông tin điện tử chính thức về tìm mộ liệt sỹ và rất nhiều gia đình theo dõi để tìm kiếm thông tin của người thân. Nhưng, tìm thấy rồi, thì làm sao để định danh hài cốt đó đúng là liệt sĩ đó. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như giám định gen để xác định danh tính liệt sỹ là cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cho đến nay, rất tiếc kết quả chính xác vẫn chưa đến 1/10.
Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm. Các liệt sỹ nằm xuống cũng không có điều kiện chôn cất cẩn thận nên thời gian phân hủy nhanh. Nếu không khẩn trương quy tập và xác định danh tính thì chỉ khoảng 10 năm nữa sẽ không còn gì để tìm kiếm.
Chi phí giám định cho 2 mẫu mỗi người, một mẫu của liệt sỹ và một mẫu của người thân vào khoảng 10 triệu đồng. Thêm vào đó là tiền đi lại, tìm kiếm trong thời gian dài, nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sỹ một phần kinh phí này.
Việc định danh ADN của các liệt sĩ, để đưa các anh về lại với gia đình chính là việc làm cấp thiết để bù đắp phần nào nỗi đau chiến tranh. Dẫu có khó khăn, tốn kém nhưng chính vì vậy càng cần sự quyết tâm, chỉ đạo khẩn trương cũng như sự quan tâm hỗ trợ đồng lòng của toàn xã hội bởi thời gian không còn nhiều.
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Thương binh liệt sỹ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.