Hôn nhân truyền thống: Cổ nhân không tùy tiện lấy vợ, nạp thiếp

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 15:04:37

Qua các tác phẩm điện ảnh hay tiểu thuyết, không ít người ngày nay cho rằng người xưa tùy tiện lấy vợ, muốn lấy bao nhiêu thì lấy, nạp thiếp, muốn nạp bao nhiêu thì nạp. Kỳ thực hôn nhân truyền thống không đơn giản như vậy.

(Tranh: Họa sỹ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Theo phát hiện của các nhà khảo cổ học, vào thời kỳ cuối văn hóa Ngưỡng Thiều (3500-3000 TCN), thời kỳ giữa cuối văn hóa Đại Vấn Khẩu (4300 – 2500 TCN), và thời kỳ văn hóa Tề Gia (2500 – 1500 TCN) đều đã phát hiện ra những ngôi mộ hợp táng một người đàn ông và một phụ nữ trưởng thành. Điều này cho thấy, thời bấy giờ đã xuất hiện hình thức hôn nhân một vợ chồng tương đối cố định.

Trong thời kỳ Ân Thương (khoảng giữa thế kỷ 17 và thế kỷ thứ 11), hình thức hôn nhân một vợ một chồng đã trở thành hình thức chính yếu của xã hội. Ngay cả quý tộc hoàng gia cũng không lấy nhiều vợ. Tuy rằng trong xã hội có tồn tại hình thức một chồng nhiều vợ, nhưng cũng có không ít vua nhà Ân vẫn lựa chọn hình thức một vợ một chồng.


Có nhiều yếu tố trong việc lựa chọn một vợ hay nhiều vợ, nhưng yếu tố “để có người nối dõi” chính là yếu tố quan trọng nhất. Người xưa xem việc nối dõi tông đường là mục đích chính của hôn nhân. Vì vậy, hôn nhân và pháp luật đều phục vụ cho việc thừa tự.


Đối với hoàng thân quốc thích, những người cần phải duy trì sự trị vì của gia tộc, thì việc “có được người nối dõi” lại càng quan trọng hơn hết. Chính vì thế vào thời nhà Thương đã thực hiện “trưởng tử thừa kế” , tức là con trưởng được kế tục tước vị hay ngôi vị. Bởi vì người mẹ dựa vào con mình để được hưởng quý, cho nên dần dần đã xuất hiện sự phân chia dòng đích và dòng thứ.


Đến thời nhà Chu, “chế độ thê thiếp” ra đời, để phòng ngừa sự hỗn loạn trong gia đình đa thê. Người xưa lo sợ quyền thừa kế sẽ làm nảy sinh tranh chấp, do vậy họ đã lập ra quy định chỉ có một người được làm “chính thê” (vợ chính), những người vợ còn lại đều là “thiếp” . Còn “nguyên phối” là chỉ người vợ chính đầu tiên. Sau khi nguyên phối qua đời hoặc người đàn ông ly hôn, thì người vợ chính về sau được gọi là “kế thất” hoặc “điền phòng” (vợ kế). Ngay cả Hoàng đế cũng phải tuân thủ các quy tắc “một người vợ chính, những người còn lại đều là thiếp” này.


Từ đó đã xuất hiện sự khác biệt “thê tôn thiếp ti” (thê cao hơn thiếp), con trai của chính thê là đích tử, con trai của thiếp thì là thứ tử, và chọn người thừa kế thì phải chọn con trai đầu của chính thê, bất kể người con đó có giỏi hay không.


Đến thời đại Tiền Tần, hôn nhân vẫn đang ở giai đoạn hoàn bị, cho đến thời kỳ Tần Hán thì nó mới chính thức định hình. Người dân lúc bấy giờ phải tuân theo pháp luật Tần Hán, không được “trùng hôn” phi pháp, nghĩa là không được kết hôn với một người khác trong khi mình đang có vợ hoặc có chồng, nếu không sẽ bị pháp luật trừng trị. Được gọi là vợ chính hay “thê” do vậy chỉ có duy nhất một người. Đồng thời luật pháp cũng cấm chuyện thê thiếp thay đổi vị trí, cho dù là chính thê qua đời thì người thiếp khác cũng không được phép trở thành chính thê.

Vào thời kỳ này, bất luận là Thiên tử hay dân thường thì vợ và chồng đều cùng có danh nghĩa một cách bình đẳng, còn thiếp thì là người phụ nữ đôi lúc mới được cùng ở chung với chồng.


Đến thời nhà Hán đã thể chế hóa và củng cố thêm hình thức “thê thiếp” này. Thời nhà Tống cũng đặt ra các quy định về cấm vi phạm hôn nhân “thê thiếp” . Ngoài ra các danh gia thời ấy còn nhấn mạnh hơn vào đạo đức gia đình, tiêu chuẩn hôn nhân, và nhấn mạnh rằng đạo làm vợ chồng chính là gốc rễ của nhân loại.


Đến thời nhà Minh, nhà Thanh cũng không khác biệt với thế hệ trước. 2 thời kỳ này cũng phản đối việc trùng hôn, và cấm làm rối loạn vị trí giữa thê với thiếp. Trong “Đại Minh hội điển” ghi rõ hình phạt của những người phạm tội trên là: “Những người đã có vợ mà cưới thêm vợ, sẽ bị phạt đánh 90 trượng, và buộc li dị. Người trên 40 tuổi chưa có con mà lấy vợ thứ thì bị quất 40 roi”.


Vào thời Thanh, Minh, có những thương nhân có “chính thê” rồi, khi lấy người phụ nữ khác trong lúc làm ăn xa nhà thì người phụ nữ này mặc dù cũng được gọi là “thê” , nhưng không được xem là hợp với lễ pháp. Theo pháp luật nhà Minh Thanh thì người vợ này vẫn thuộc về  thân phận “thiếp” .


Mặc dù thời cổ đại xã hội cho phép chuyện nạp thiếp, nhưng hình thức một vợ một chồng vẫn được xem là lý tưởng nhất và chính yếu nhất. Hơn nữa, thân phận của thiếp rất thấp, hoàn toàn không thể sánh với thê. Vì có sự khác biệt cách xa giữa thê và thiếp, nên không thể hiểu hình thức này đơn giản thành hôn nhân “đa thê” được.

Tuy rằng xã hội bấy giờ có những người nạp thiếp nhưng họ chủ yếu là những người giàu có, có địa vị cao trong xã hội. Vì vậy, số lượng nạp thiếp trong gia đình hoàng gia sẽ là cao nhất, tiếp theo chính là những người giàu có hay quan lại, còn những người dân thường thì rất hiếm khi nạp thiếp.


Có hai nguyên nhân khiến cho số người nạp thiếp chỉ chiếm thiểu số: Thứ nhất, phí tổn của việc nạp thiếp không phải là ít. Thứ hai, luật pháp có những quy định hạn chế về vấn đề này. Trong “Đại Minh hội điển” quy định rằng: “Kết hôn phải vào khoảng thời gian nhất định. Cấm tự ý kết hôn. Nạp thiếp có giới hạn”.


Đồng thời việc nạp thiếp cũng được quy định trong quyển “Đại Minh hội điển” , càng là hoàng thân quốc thích thì càng phải điều tra kỹ lưỡng và đều phải được Lễ Bộ duyệt qua: Vương phủ muốn nạp thiếp phải trình tấu trước. Trong bản tấu phải ghi rõ tuổi tác, đã có đích tử chưa, và trước đó từng nạp mấy thiếp.

Tuy rằng luật pháp đã quy định rõ ràng, nhưng không thể tránh khỏi việc vi phạm. Tuy vậy xét một cách tổng thể, nói chung thì trong xã hội không phổ biến chuyện nạp thiếp.


Theo Visiontime tiếng Trung
An Hòa biên tập

Hôn nhân truyền thống: Hàm nghĩa sâu xa của ân ái vợ chồng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook