Hơn 63% người mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được chẩn đoán bệnh

Chia sẻ Facebook
14/11/2022 15:00:20

Cùng với tỷ lệ người mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện bệnh cao thì tỷ lệ mắc đái tháo đường ở nước ta cũng tăng gấp đôi.


Thông tin trên được đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường và ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt.

Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11 được đề xuất từ năm 1991 của Liên đoàn phòng chống đái tháo đường và Tổ chức Y tế thế giới với mục đích cảnh báo về nguy cơ gia tăng của căn bệnh đái tháo đường, đồng thời quyết định chọn ngày 14/11 hàng năm là ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường, nhằm kêu gọi tất cả mọi người có trách nhiệm quan tâm đến bệnh đái tháo đường, nâng cao hiểu biết và đưa ra hành động cụ thể để kiểm soát căn bệnh thế kỷ này.

Đây cũng là dịp để mọi quốc gia nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường, động viên thực hành tốt công tác phòng bệnh và cũng là thông điệp đối với các nhà khoa học, các nhà quản lý xây dựng những giải pháp và những chính sách, các hành động cụ thể để phòng, điều trị, chăm sóc người bệnh đái tháo đường một cách bền vững và rộng khắp.

Chủ đề của Ngày đái tháo đường Thế giới giai đoạn năm 2021-2023 là "Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường" với mục đích mang đến sự thay đổi cho hơn một nửa tỷ người trên thế giới đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Ngoài thông điệp chung còn có thông điệp riêng là "Giáo dục để bảo vệ ngày mai" nhằm nhấn mạnh yêu cầu giáo dục, đào tạo nhân viên y tế và người bệnh đái tháo đường để làm tốt hơn việc phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị và chăm sóc người bệnh đái tháo đường. Đây là dịp để mọi quốc gia nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh đái tháo đường, động viên, tạo động lực, môi trường để thực hành tốt công tác phòng bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và các địa biểu tham gia lễ mít tinh.

Phát biểu khai mạc, TS.BS. Lê Bá Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa tăng nhanh. Theo số liệu điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ mắc đái tháo đường năm 2012 là 5,42% (Nghiên cứu trên đối tượng 30 - 69 tuổi, xét nghiệm đường huyết lúc đói và sau nghiệm pháp dung nạp Glucose) kết quả cho thấy sau 10 năm tỷ lệ bệnh đái tháo đường đã gia tăng gấp đôi. Một vấn đề quan ngại nữa đó là tỉ lệ người bệnh đã mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được chẩn đoán hiện ở mức cao là 63,6%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 53 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20-79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Cũng trong chương trình, PGS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ: Công tác điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường còn nhiều khó khăn với tỷ lệ 62,6% người bệnh chưa được chẩn đoán trong cộng đồng. Riêng tiền đái tháo đường tỷ lệ đã là 17,8%. Chính vì vậy, đái tháo đường vẫn đang còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Gánh nặng này kéo theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế, cho hệ thống y tế, cho nhân viên y tế và cho cả bệnh nhân cùng gia đình của họ.

Đoàn diễu hành hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường.

Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. Kết quả điều tra tại nước ta có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết: Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.

Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng. Việc "Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường" mang đến một cơ hội để mang lại sự thay đổi có ý nghĩa cho những người đang sống chung với bệnh đái tháo đường và hàng triệu người khác có nguy cơ mắc bệnh - TS. Phan Hướng Dương cho biết thêm.

Cùng với các địa phương trong nước và cộng đồng quốc tế, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực nhằm ngăn chặn và phòng ngừa bệnh đái tháo đường và bệnh tật do thiếu I-ốt để bảo vệ sức khoẻ, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã thay mặt cho Bộ Y tế, kêu gọi:

Toàn thể mọi người dân: hãy có trách nhiệm với sức khỏe của mình, bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng I-ốt trong bữa ăn hằng ngày, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh đái tháo đường để dự phòng, phát hiện sớm bệnh.

Với các cán bộ, nhân viên y tế: nhiệm vụ là tăng cường trình độ chuyên môn để tư vấn, khám phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả đồng thời nâng cao nhận thức và kiến thức về đái tháo đường cho mọi người.

Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Y tế, các cơ sở y tế các tỉnh, thành phố, Hội Đái tháo đường Việt Nam: hãy xác định phòng, kiểm soát đái tháo đường là một nhiệm vụ ưu tiên; thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, để bảo vệ sức khỏe của người dân không mắc bệnh đái tháo đường hoặc chung sống có chất lượng với bệnh đái tháo đường.

Các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước chung tay cùng ngành y tế tuyên truyền, vận động người dân tích cực, chủ động nâng cao kiến thức và thực hành các biện pháp dự phòng bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả.

Trong khuôn khổ chương trình mít tinh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với Bệnh viện Nội tiết tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức chương trình khám sàng lọc, tư vấn bệnh đái tháo đường miễn phí cho gần 1.000 người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và thực hiện diễu hành kêu gọi người dân nâng cao nhận thức phòng chống bệnh đái tháo đường và sử dụng muối I-ốt.

Chia sẻ Facebook