Hơn 5.500 tỷ đồng làm Nhà máy nước thải Bắc Sài Gòn 1

Chia sẻ Facebook
07/07/2022 13:47:28

Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 1 có công suất 170.000m3/ngày sẽ được đầu tư 5.544 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cụ thể, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 1 sẽ có công suất 170.000 m3/ngày và 3 trạm bơm, 1 hệ thống cống bao tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức). Tổng mức đầu tư dự kiến 5.544 tỷ đồng theo phương thức PPP để thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của TP. Thủ Đức.

Trước đó, nhà máy này được đề xuất xây dựng theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT), do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất. Hiện tại, hình thức này không còn phù hợp theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức PPP năm 2020, nên lãnh đạo TP.HCM giao Sở KH&ĐT TP có văn bản trả lời doanh nghiệp.

Ngoài ra, chính quyền TP.HCM đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Quy hoạch chung TP. Thủ Đức. Việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung phải phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng quy hoạch của thành phố.

Được biết, nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 là một trong những nhà máy xử lý nước thải trọng điểm của thành phố. Năm 2017, Sở Kế hoạch &Đầu tư TP.HCM có văn bản gửi Bộ Xây dựng về góp ý cho đề xuất dự án này.

Đến năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã kêu gọi đầu tư vào 3 dự án xây dựng nhà máy nước thải cho thành phố, gồm nhà máy Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày; nhà máy Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày; nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Nhà máy xử lý nước thải Bình Tân) công suất 180.000m3/ngày.

Trong đó, nhà máy Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày được đưa vào diện khẩn trương kêu gọi đầu tư.

Còn các nhà máy Tây Sài Gòn (công suất 150.000m3/ngày), Tân Hóa Lò Gốm (công suất 300.000m3/ngày), Bình Tân (công suất 180.000m3/ngày được gom thành 1 nhà máy tại Bình Hưng Hòa để đầu tư.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trên cơ sở quy hoạch của Thủ tướng, các sở ngành liên quan đã và đang khẩn trương rà soát quỹ đất, cắm ranh mốc tại các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị theo quy hoạch.

Chia sẻ Facebook