Hơn 5,5 triệu m3 xăng dầu chuẩn bị cho quý IV/2022
3 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ phân giao tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3 cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước.
Như vậy, với mức phân giao này sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp sáng 24/10 giữa Bộ Công Thương và các đầu mối kinh doanh xăng dầu với nội dung "Đánh giá thực hiện tổng nguồn xăng dầu 9 tháng đầu năm, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp" .
Hơn 5,5 triệu m3 xăng dầu phân giao trong quý IV theo kế hoạch, bao gồm hơn 2,2 triệu m3 xăng, hơn 3,1 triệu m3 dầu diesel, hơn 8.200 m3 dầu hoả và hơn 110.000 tấn dầu mazut.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay: "Chúng tôi phân giao tổng nguồn cho 34 doanh nghiệp đầu mối từ giờ đến cuối năm là 5,5 triệu tấn và chúng tôi cũng giao tiến độ nhập khẩu cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, cũng như tiến độ của 2 nhà máy lọc dầu trong nước. Với việc phân giao có số dư là 20% so với nhu cầu của cả nền kinh tế, chúng tôi nghĩ rằng với việc phân giao như vậy sẽ đủ tổng nguồn".
Về phía các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các báo cáo cho biết, 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp đã thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu hơn 17 triệu tấn, chiếm khoảng trên 80% tổng nguồn năm 2022 mà Bộ Công Thương giao.
"9 tháng đầu năm hệ thống của tôi không thiếu 1 lít xăng dầu nào, không bị đóng một cửa hàng nào, thậm chí tôi còn nhập khẩu để hỗ trợ cho các đơn vị bạn, các thương nhân phân phối từ 10 - 15%", ông Mai Văn Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu cho hay.
Tuy nhiên, thực tế trong thời gian vừa qua, nguồn cung xăng dầu đã có thời điểm bị gián đoạn. Theo đại diện các doanh nghiệp, bên cạnh nguyên nhân do những biến động về giá đầu vào, Bộ Công Thương cần sớm rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các khoản chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Cùng với đó là có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý để xử lý vấn đề này một cách hiệu quả nhất.
Ngay sau cuộc họp phân giao tổng nguồn xăng dầu quý IV, chiều 24/10, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu Nam Sông Hậu - đơn vị đang nắm giữ gần 40% thị phần tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã thực hiện chia sẻ phần lỗ cho các đại lý, thương nhân bán lẻ bằng cách tăng thù lao bán hàng từ 200 đồng đến 350 đồng mỗi lít xăng dầu, qua đó đảm bảo không gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống của khu vực phía Nam.